Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Tổng công ty SCIC |
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) còn thực hiện những biện pháp quyết liệt để tăng cường công tác quản trị, xây dựng phương án tái cơ cấu đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, có tình hình tài chính phức tạp… qua đó, thể hiện rõ nét định hướng tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp, nhà đầu tư của Chính phủ.
Các chỉ tiêu tài chính đều đạt và vượt kế hoạch
SCIC là một trong 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Kể từ khi thành lập vào năm 2006 đến nay, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 1.079 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 30.800 tỷ đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 2018 đến 31/12/2022, triển khai cơ cấu lại SCIC theo Quyết định số 1001/2017/QĐ-TTg ngày 10/7/2017, SCIC đã tiếp nhận doanh nghiệp đạt kết quả vượt trội, với giá trị hơn 21.094 tỷ đồng, chiếm tới 68,5% giá trị tiếp nhận của SCIC từ khi thành lập.
Ngay sau khi tiếp nhận vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn có tình hình tài chính phức tạp, như Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Licogi…
Cùng với đó, SCIC thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. SCIC đã tổ chức bán vốn tại 1.040 doanh nghiệp, bán quyền mua tại 19 doanh nghiệp, với tổng giá vốn 12.410 tỷ đồng, thu về 51.062 tỷ đồng, kết quả thu được gấp 4,1 lần giá vốn.
Riêng giai đoạn 2018 - 2022, tổng giá trị bán vốn thu về 23.994 tỷ đồng, chiếm 47% giá trị thu bán vốn của SCIC từ khi thành lập. Trong đó, có những thương vụ bán vốn tại một số doanh nghiệp quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao, như thương vụ tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (thu về 20.276 tỷ đồng), Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (thu về 2.330 tỷ đồng), Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (thu về 7.366 tỷ đồng).
SCIC đã tích cực xây dựng và báo cáo cơ quan có thẩm quyền về các tồn đọng tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên - TISCO 2. Đây được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 đại dự án ngành công thương.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã cùng với Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) và TISCO thực hiện đàm phán với MCC, thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đồng thời các bên đã ký kết biên bản ghi nhớ về giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Dự án. Bước đầu công tác xử lý tồn tại, vướng mắc của Dự án có nhiều tiến triển.
Nhìn lại kết quả hoạt động của SCIC giai đoạn 2018 - 2022, có thể thấy, SCIC đã liên tục đạt được kết quả kinh doanh tích cực, hầu hết các chỉ tiêu tài chính đều đạt và vượt kế hoạch đặt ra. Cụ thể, theo báo cáo tài chính, riêng năm 2022, doanh thu của SCIC đạt 10.698 tỷ đồng, bằng 148% so với năm 2021 và đạt 136% kế hoạch năm 2022. Trong đó, doanh thu cổ tức đạt 8.216 tỷ đồng, bằng 142% kế hoạch năm 2022 và bằng 185% so với năm 2021; doanh thu bán vốn đạt 1.360 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch năm 2022.
Trước đó, từ năm 2018 đến năm 2021, SCIC cũng đã liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Ngay trong 6 tháng đầu năm 2023, SCIC cũng đã ghi nhận doanh thu đạt 2.754 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 3.3313 tỷ đồng, tương ứng 114,12% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 3.3052 tỷ đồng, tương ứng 105,13% kế hoạch năm; nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 126 tỷ đồng. Hiện tại, danh mục doanh nghiệp của SCIC có 113 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước theo giá trị sổ sách là 49.353 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 168.121 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh nhiều khó khăn do tình hình quốc tế và nội tại của nền kinh tế trong nước, SCIC đã liên tục hoàn thành và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đặt ra, đóng góp vào kết quả điều hành của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tạo những bước đi tích cực đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn với định hướng rõ nét hơn; góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Chủ động trong hoạt động đầu tư
Triển khai định hướng của Chính phủ tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2022 về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao vai trò nhà đầu tư của Chính phủ của SCIC trong việc thu hút thêm nguồn lực tài chính đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án lớn, quan trọng, SCIC đã xây dựng và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Phát triển SCIC đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 với định hướng đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn.
Dấu ấn SCIC trong hoạt động đầu tư được thể hiện trên thị trường tài chính, hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế với số tiền giải ngân đầu tư hơn 37.651 tỷ đồng. Nhờ những lợi thế trong vai trò là cổ đông tại doanh nghiệp, hoạt động đầu tư hiện hữu thông qua việc mua cổ phần phát hành thêm đã được SCIC đẩy mạnh và đem lại hiệu quả quan trọng. Thông qua hoạt động này, SCIC đã góp phần hỗ trợ tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp, làm gia tăng giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp..., giúp hình thành một số doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao và dẫn đầu thị trường hiện nay như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT Telecom…
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và lãnh đạo SCIC cùng các đại biểu tại Hội nghị Tăng cường hợp tác với quỹ đầu tư nhằm huy động tài chính xanh phục vụ tăng trưởng bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước |
Ngoài ra, SCIC cũng đẩy mạnh đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, đầu tư theo chỉ định của Chính phủ (như đầu tư vào Vietnam Airlines). Hoạt động đầu tư của SCIC đã tập trung ưu tiên vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả và những dự án then chốt, trọng yếu của Nhà nước, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.
Nhờ vậy, SCIC đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước với các chỉ tiêu tăng trưởng liên tục, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính riêng của SCIC đạt gần 60.000 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 62.500 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt của danh mục đầu tư trên 170.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, riêng trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, SCIC đã đạt kết quả rất ấn tượng: tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước là 48.319 tỷ đồng, chiếm gần 60% giá trị nộp ngân sách nhà nước của SCIC từ khi thành lập; tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước của các doanh nghiệp trong danh mục quản lý đạt 30.306 tỷ đồng, chiếm gần 50% nguồn thu cổ tức của SCIC từ khi thành lập.
Kết quả trên đến từ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Chính phủ và đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, sự phối hợp của các bộ, UBND các tỉnh/thành phố, tập đoàn, tổng công ty cùng với sự nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ SCIC.
Trong thời gian tới, SCIC sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, có bước chuyển mình để thực hiện tốt chức năng đầu tư, chủ động tìm kiếm, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án đầu tư, thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư Chính phủ.