- Miwon Việt Nam, Viettronics... bị phát hiện sử dụng phần mềm bất hợp pháp
- Chánh Văn phòng SCIC vào HĐQT Viettronics
- Viettronics sẽ thoán vốn tại nhiều công ty
- Âm vốn chủ sở hữu, Lợi Lai vẫn được SCIC chào bán giá cao
- SCIC chật vật thoái vốn khỏi A Chau Food Tech
- SCIC: Chuyên nghiệp và bản lĩnh trong vai trò cổ đông lớn
- TP.HCM: Lãnh đạo đơn vị phải có mặt tại kỳ họp HĐND
Kết quả kinh doanh đi lùi
Ngày 8/2 tới, lô cổ phần 38,5 triệu đơn vị của Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (Viettronics, mã VEC - sàn UpCOM) thuộc sở hữu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ được đấu giá với mức khởi điểm hơn 1.066 tỷ đồng, tương đương 27.679 đồng/cổ phần.
Đây là mức giá khá ấn tượng, khi mà thị giá cao nhất của cổ phiếu VEC từng thiết lập là 21.600 đồng/cổ phần vào ngày 6/1/2022. Sau 1 năm, cổ phiếu VEC hiện giao dịch quanh mức 17.000 đồng/cổ phần, thấp hơn nhiều so với mức giá khởi điểm mà SCIC kỳ vọng.
Viettronics được biết tới là một trong những nhà sản xuất và cung cấp lớn của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử dân dụng, điện tử công nghiệp, viễn thông, công nghệ thông tin, giải pháp hệ thống, phần mềm.
Tổng công ty này tiền thân là Phòng nghiên cứu Điện tử thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim (nay là Bộ Công thương), được thành lập vào tháng 10/1970.
Tới tháng 5/2004, Viettronics tiến hành cổ phần hóa. Đến tháng 11/2006, công ty này đã thực hiện thành công phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và cổ phiếu VEC chính thức giao dịch từ quý III/2017.
Mặc dù có bề dày truyền thống, nhưng kết quả kinh doanh của Viettronics những năm gần đây thể hiện sự sụt giảm đáng kể. Báo cáo tài chính hợp nhất của Viettronics cho thấy, giai đoạn 2019-2021, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của Công ty trong tình trạng năm sau thấp hơn năm trước. Viettronics đã không trả cổ tức trong 4 năm liên tiếp. Năm gần nhất mà tổng công ty này trả cổ tức cho cổ đông là vào năm 2017, nhưng cũng chỉ ở mức 5%.
Trong 3 quý đầu năm 2022, doanh thu thuần của Viettronics đạt 368,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,24 tỷ đồng, lần lượt giảm 9% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Viettronics, Tổng công ty phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ là những tập đoàn lớn từ các nước phát triển với tiềm lực tài chính mạnh, hệ thống sản phẩm điện tử chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới mạnh mẽ. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết không cao cũng ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hợp nhất của Tổng công ty.
Tính tới ngày 30/9/2022, vốn điều lệ của Viettronics là 438 tỷ đồng, lỗ lũy kế 12,4 tỷ đồng. Nợ chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu nguồn vốn của Tổng công ty, với tổng nợ là gần 263 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 11 tỷ đồng, không có vay và nợ thuê tài chính dài hạn.
Về cơ cấu tài sản, Viettronics sở hữu khá nhiều tiền mặt, với tiền và tương đương tiền hơn 74 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng được ghi nhận vào đầu tư tài chính ngắn hạn lên tới hơn 142 tỷ đồng.
Do nhiều tiền mặt, nợ ít, nên các chỉ tiêu khả năng thanh toán của Viettronics rất lành mạnh. Tuy nhiên, các chỉ tiêu về khả năng sinh lời của Tổng công ty rất thấp, với Hệ số Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân năm 2021 chỉ đạt 0,14%.
Sức hấp dẫn từ “đất vàng”?
Với tình hình kinh doanh nói trên, có thể nhận định rằng, sức hấp dẫn của cuộc đấu giá với mức giá khởi điểm cao nói trên có thể đến từ khối lượng cổ phần đấu giá. Lô cổ phần mà SCIC thoái vốn nói trên chiếm tỷ lệ 87,97% vốn điều lệ thực góp của Viettronics, đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư nào sở hữu số cổ phần này sẽ có quyền quyết định toàn bộ các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp. Trong đó bao gồm cả việc quyết định đối với khối tài sản rất lớn là các bất động sản mà Viettronics đang nắm quyền quản lý và sử dụng.
Được biết, Viettronics cùng các đơn vị thành viên đang quản lý và nắm quyền sử dụng nhiều khu đất đắc địa như: Khu đất 15 - Trần Hưng Đạo, Hà Nội (544,89 m2); 29F - Hai Bà Trưng, Hà Nội (288 m2); 197 - Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM (425,52 m2)… Các khu đất này đang được Viettronics hợp tác với 3 doanh nghiệp khai thác kinh doanh mặt bằng, đem lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Viettronics còn đang quản lý khu đất tại Lô 14-E5, Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) có diện tích 4.300 m2. Đây là khu đất mà Viettronics hợp tác với CTCP Đầu tư bất động sản Hà Thành - thành viên của CTCP Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (mã TIG - sàn HNX) để phát triển Dự án Xây dựng tòa nhà hỗn hợp Viettronics - Hà Thành, tuy nhiên, chưa được Nhà nước giao đất, chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện Dự án.
Đáng chú ý, Viettronics còn quản lý khu đất lớn tại số 16 - đường Cát Bi (phường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng). Mảnh đất này có diện tích 9.046 m2, trong đó, 7.766 m2 là đất xây dựng Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics và 1.280 m2 là đất thuộc hành lang bảo vệ đê không được xây dựng công trình.
Liên quan đến Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics, đây là đơn vị phụ thuộc, hoạt động trên tài sản và đất thuộc sở hữu của Viettronics. Kể từ khi triển khai thoái vốn tại Viettronics vào năm 2016, SCIC đã xin ý kiến nhiều bộ, ngành về việc xử lý phần giá trị đối với Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics. Ngày 4/8/2020, Hội đồng thành viên SCIC đã ban hành nghị quyết về việc thoái vốn của SCIC tại Viettronics, trong đó phương án xử lý Trường Cao đẳng Công nghệ Viettronics sẽ do các cổ đông của Viettronics (sau khi SCIC thoái vốn) quyết định.