Ngày 12/12 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế giai đoạn 2015-2019 và lấy ý kiến dự thảo Luật bảo hiểm y tế sửa đổi.
Quang cảnh Hội nghị |
Những đề xuất lớn
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng được đề nghị điều chỉnh tăng bằng 6% tiền lương tháng. Dự thảo luật cũng quy định tất cả thành viên gia đình phải tham gia cùng một thời điểm thay vì từng cá nhân như hiện nay. Mức đóng bảo hiểm y tế của người thứ nhất tối đa bằng 6% lương cơ sở và từ người thứ hai trở đi đóng bằng 80% mức đóng của người thứ nhất.
Trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, mức đóng bằng 6% tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo về sức khỏe nhân dân.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị |
Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ bảo hiểm y tế đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách bảo hiểm y tế đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 20; ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc Hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi phù hợp với tình hình mới.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã thảo luận, góp ý về nhiều nội dung trong Dự thảo luật như: Điều chỉnh quyền lợi bảo hiểm y tế; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan bảo hiểm y tế; về tổ chức hệ thống giám định bảo hiểm y tế và thành lập Hội đồng tư vấn quốc gia bảo hiểm y tế…
Hướng đến những mục tiêu lớn
Báo cáo tại Hội nghị, TS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, số người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng gia tăng. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế).
Theo các chuyên gia y tế tham luận tại Hội nghị, chính sách bảo hiểm y tế của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992 ban hành Điều lệ bảo hiểm y tế. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP. Sự thay đổi chính sách đáng chú ý nhất đó là ngày 14/11/2008, Luật Bảo hiểm Y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2009. Luật Bảo hiểm Y tế ra đời đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác bảo hiểm y tế, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Chính phủ cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.