Đầu tư
Sẽ có thêm nhiều tiện ích mới cho việc lựa chọn nhà thầu qua mạng
Anh Minh - 14/10/2020 12:44
Cục Quản lý đấu thầu sẽ triển khai nhiều cải tiến về hạ tầng mạng đấu thầu quốc gia nhằm gia tăng tiện ích cho cả bên mời thầu và bên dự thầu khi tham gia đấu thầu qua mạng.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã sôi nổi đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng hoạt động đấu thầu qua mạng.

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu tại Hội nghị Đấu thầu qua mạng vừa được tổ chức sáng nay (14/10) tại Hà Nội.

Bất chấp tình hình thời tiết mưa to gió lớn, hơn một trăm đại biểu từ các địa phương khu vực phía Bắc, các bộ, ban ngành Trung ương và nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoặc có vốn Nhà nước chi phối đã có mặt tại Hội nghị sơ kết tình hình triển khai đấu thầu qua mạng 9 tháng đầu năm đã cho thấy sức hút rất lớn của hoạt động lựa chọn nhà thầu qua mạng.

Trên thực tế, hoạt động triển khai đấu thầu qua mạng trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có những chuyển biến rất tích cực, vượt xa so với chỉ tiêu được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/2020/ NQ – CP ngày 1/1/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020.

Theo báo cáo của Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 36.628 bên mời thầu, 111.799 nhà thầu đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 27.710 nhà thầu đăng ký tham gia đấu thầu điện tử.  Về thông tin đấu thầu đăng tải trên Hệ thống, có 368.283 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 90.741 thông báo mời thầu được đăng tải.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 67.672 (chiếm tỷ lệ 84,9% số gói thầu thuộc diện ĐTQM). Tổng giá trị gói thầu đầu thầu qua mạng đạt 198.585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 51,8%).

Cần phải nói thêm rằng, Nghị quyết số 01 đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ về số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 60% và tỷ lệ về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng phải đạt 25%.

“Ngoài những tiện ích nổi trội; sự đồng hành và quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương đã giúp công tác lựa chọn nhà thầu qua mạng đã thực sự có bước nhảy vọt, góp phần mang lại sự công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu”, ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá.

Ngoài việc tiết kiệm chi phí, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn nhà thầu (trung bình từ 5-8 ngày) so với đấu thầu truyền thống, đấu thầu qua mạng cũng giúp công tác lựa chọn nhà thầu của nhiều chủ đầu tư diễn ra suôn sẻ trong giai đoạn cả nước thực hiện giãn cách xã hội do Covid -19.

Trong số các bộ, ban ngành Trung ương tích cực triển khai công tác đấu thầu qua mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất với 372 gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm tỷ lệ 96,6% với tổng giá trị 651,5 tỷ đồng. Văn phòng Quốc hội xếp thứ hai với 96 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,15%, tổng giá trị 121,3 tỷ đồng. Xếp thứ ba là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 349 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,1%, tổng giá trị 511,8 tỷ đồng…

Về phía các địa phương, Thanh Hóa đứng đầu với 935 gói thầu được đấu thầu qua mạng, chiếm tỷ lệ 95,8% và tổng giá trị là 3.949,5 tỷ đồng. Bình Phước tiếp tục giữ vững phong độ khi đứng thứ hai với 541 gói thầu, chiếm tỷ lệ 93,6%, tổng giá trị 3.658,1 tỷ đồng. Đồng Nai có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí thứ ba với 238 gói thầu, chiếm tỷ lệ 92,6%, tổng giá trị 2.544,8 tỷ đồng.

Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tích cực triển khai đấu thầu qua mạng, đứng đầu là Tổng công ty Thép Việt Nam với 25 gói thầu được đấu thầu qua mạng, đạt tỷ lệ 96,2%; trong khi đó, Tập đoàn Điện lực đứng đầu về giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng giá trị lên tới 36.161,9 tỷ đồng.

Đại diện Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia ghi nhận, các gói thầu đấu thầu qua mạng càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Tỷ lệ giảm giá cao nhất trong lĩnh vực xây lắp là 50%; lĩnh vực hàng hóa là 76%. Đặc biệt, có gói thầu dịch vụ phi tư vấn giá 238 triệu đồng, giá trúng thầu là 18 triệu đồng, giảm giá 92%.

Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia trong năm 2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những bước cải tiến lớn như triển khai tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị qua mạng.

Đặc biệt, trong năm 2021, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ đưa vào vận hành mạng đấu thầu quốc gia qua mạng tổng thể theo hình thức PPP.

“Cùng với những quy định mới tại Thông tin số 05/2020/BKHĐT ngày 30/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/TT – BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và đầu tư, những thay đổi, cải tiến nói trên sẽ giúp hoạt động đấu thầu qua mạng sẽ được gia tăng cả về chất và lượng trong thời gian tới”, lãnh đạo Trung tâm kỳ vọng.

Tin liên quan
Tin khác