Đầu tư
Sẽ hình thành chuỗi giá trị mới trong hợp tác kinh tế Việt - Nhật
Thanh Tùng - 19/06/2017 08:01
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng hợp tác đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho rằng, không chỉ dừng lại ở việc đầu tư đơn độc từng lĩnh vực công nghiệp, việc kết hợp giữa các nhóm ngành để tạo ra chuỗi giá trị mới là cần thiết cho hợp tác kinh tế Việt - Nhật.
TIN LIÊN QUAN

Thưa ông, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản vừa qua của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, JETRO đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư rất lớn, với số lượng doanh nghiệp tham gia kỷ lục và giá trị các văn bản hợp tác lên đến 22 tỷ USD. Ông có cho rằng, con số này đã phản ánh đầy đủ sự quan tâm của các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam?

Tại chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kết quả của việc xây dựng mối quan hệ kinh doanh tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Việt Nam do JETRO tổ chức đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và rất ý nghĩa đối với các doanh nghiệp Nhật Bản.

.

Cụ thể, việc có rất nhiều biên bản cam kết hợp tác được ký kết, cũng như 1.600 người tham dự đã chỉ ra rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản dành sự quan tâm cao đến việc đầu tư vào Việt Nam. Tầm nhìn của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với thị trường Việt Nam là một thị trường liên tục tăng trưởng. Tôi cho rằng, ngoài nhóm ngành công nghiệp thứ 2 (nhóm ngành sản xuất, chế tạo), thì các doanh nghiệp sẽ mở rộng thêm ở các lĩnh vực khác là nhóm ngành công nghiệp thứ nhất (nhóm ngành nông nghiệp) và nhóm ngành công nghiệp thứ 3 (nhóm ngành công nghiệp dịch vụ). 

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách nền kinh tế và môi trường đầu tư. Điều này quan trọng thế nào đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đều có những phát biểu rất tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng, đối với các doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp đang suy nghĩ sẽ đầu tư vào Việt Nam, việc này rất được hoan nghênh. Nếu từ nay về sau, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ ghi nhận sâu sắc việc này, thì thật là điều may mắn đối với chúng tôi.

Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các kế hoạch của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn, nhằm đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam - như đã được đề cập trong Khuôn khổ Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo ông, điều này quan trọng thế nào đối với Việt Nam trong việc thu hút thêm đầu tư nước ngoài?

Về cơ bản, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài sẽ đẩy mạnh được công nghiệp trong nước và thúc đẩy hiệu quả tăng trưởng kinh tế. Đương nhiên, nếu quan hệ kinh tế với nước ngoài tăng tốc, thì khả năng tạo ra được những cơ hội kinh doanh mới sẽ nhiều hơn, đồng thời kích thích thị trường tiêu thụ trong nước. Do vậy, bằng hoạt động tiếp nhận đầu tư từ nước ngoài, việc xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi là cần thiết.

Việc gia tăng đầu tư từ Nhật Bản vào 6 lĩnh vực (đặc biệt là điện tử, gia công thực phẩm và phụ tùng xe hơi) là trọng tâm để tiến hành tích lũy về ngành công nghiệp hỗ trợ. Điều này cũng được kỳ vọng có thể đóng góp vào việc nuôi dưỡng các doanh nghiệp phía Việt Nam. JETRO cũng tiếp tục đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bằng hoạt động tổ chức triển lãm công nghiệp hỗ trợ thường niên. 

Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới?

Ngoài các ngành công nghiệp sản xuất chế tạo, đầu tư vào nhóm ngành công nghiệp thứ nhất và nhóm ngành công nghiệp thứ 3 sẽ gia tăng. Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư đơn độc từng lĩnh vực công nghiệp, việc kết hợp giữa các nhóm ngành để tạo ra một chuỗi giá trị mới là cần thiết cho và việc này sẽ tạo nên một thời kỳ mới cho mối quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Tin liên quan
Tin khác