Thước đo tính lạm phát của Việt Nam sẽ được thay đổi để đáp ứng thông lệ quốc tế |
Văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi Quyết định số 34/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước để thay đổi niên độ báo cáo thống kê hàng tháng và thời gian phổ biến thông tin của một số chỉ tiêu thống kê.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị tài liệu, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2016 về việc sử dụng CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế thay cho CPI tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước.
Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ xuất phát từ đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thay đổi niên độ báo cáo thống kê hàng tháng và sử dụng CPI bình quân so với cùng kỳ năm trước làm thước đo lạm phát của nền kinh tế.
Với chỉ đạo này, dù chưa chính thức được thông qua, song có thể hiểu rằng, Chính phủ đã “mở đường” cho việc thay đổi thước đo tính lạm phát của nền kinh tế.
Trước nay, Tổng cục Thống kê vẫn tính CPI với các các hệ so sánh là CPI tháng báo cáo so với tháng trước, CPI tháng báo cáo so với cùng kỳ năm trước, so với tháng 12 năm trước và CPI bình quân.
CPI tháng 12 năm hiện hành so với tháng 12 năm trước hiện được lấy làm thước đo tính lạm phát của nền kinh tế, song cách tính này chưa theo thông lệ quốc tế. Và vì vậy, trong các đánh giá, dự báo về lạm phát của Việt Nam và các tổ chức quốc tế luôn có sự khác biệt.
Để đáp ứng thông lệ quốc tế, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức đề xuất thay đổi thước đo tính lạm phát của Việt Nam và điều này được cho là hoàn toàn phù hợp.