Quốc tế
Shanghai Composite bật 1,25%, chứng khoán Trung Quốc có sóng
Lê Quân - 05/02/2020 17:52
Chứng khoán khu vực châu Á - Thái Bình Dương quay đầu lên điểm trong phiên giao dịch 5/2 sau khi làn sóng bán tháo cổ phiếu do dịch bệnh viêm phổi cấp đã tạm ngừng.
Nhà đầu tư theo dõi biến động cổ phiếu tại một công ty chứng khoán ở Thượng Hải. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu sóng tăng tại khu vực với chỉ số Shanghai Composite tăng 1,25% lên 2.818,09 điểm, còn Shenzhen Composite vọt lên 2,48% và đạt 1.678,63 điểm. Chỉ số Chinext dành cho các startup Trung Quốc lên điểm 3% quanh mức 2.180,29. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng lỡ đà tăng thiết lập trước đó và nhích nhẹ 0,27%.

Trước đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài bằng phiên lao dốc 7% hôm 3/2 do nhà đầu tư e ngại dịch viêm phổi cấp lan rộng.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hôm nay tăng 1,02% lên 23.319,56 điểm còn Topix lên điểm 1,04%. Đồng yên Nhật Bản, vốn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trước biến động thị trường, trượt giá từ mức 108,80 JPY “ăn” 1 USD về 109.42 JPY/USD.

Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tuột mốc tăng gần 1% trước đó về mức 0,36% với 2.165,63 điểm.

Chứng khoán Australia cũng ghi nhận sóng tăng với chỉ số ASX 200 lên điểm 0,39% và đạt 6.976,10 khi chỉ số riêng biệt tài chính chốt phiên tăng nhẹ. Trong đó, cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Australia diễn biến trái ngược nhau với cổ phiếu của Ngân hàng Commonwealth trượt 1,22%.

“Các thị trường chứng khoán ghi nhận sức phục hồi sau nỗ lực cứu kinh tế của Trung Quốc trước mối đe dọa virus corona”, Rodrigo Catril, chuyên gia ngoại hối cao cấp của Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) bình luận.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vừa hạ lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược - một công cụ được các ngân hàng Trung ương bơm tiền cho thị trường để đảm bảo thanh khoản toàn hệ thống. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ 10 điểm cơ bản lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược 7 ngày từ 2,50% về 2,40% còn lãi suất hợp đồng mua lại đảo ngược 14 ngày được giảm từ 2,65% về 2,55%.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá động thái trên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc là chưa đủ để bù đắp những thiệt hại kinh tế do virus corona. Hiện số ca tử vong do virus corona tại Trung Quốc đã vượt quá 490 người.

Đại dịch do virus corona đang đe dọa nhiều ngành, lĩnh vực của Trung Quốc. Lượng khách du lịch đến Trung Quốc sụt giảm do các lệnh hạn chế đi lại và kiểm dịch, còn nhà sản xuất cũng “ngấm” dịch khi nhu cầu hàng hóa sụt giảm và nhiều nhà máy phải đóng cửa.

Steve Cochrane, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của bộ phận phân tích của Moody’s nhận định, tác động của dịch viêm phổi cấp đến kinh tế châu Á và Mỹ là rõ rệt.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ thấm thía sức ép của dịch bệnh. Năm ngành công nghiệp quan trọng của Trung Quốc sẽ “chịu trận” do virus corona, gồm vận tải, kho bãi, bán sỉ - bán lẻ, bất động sản thương mại, giải trí và sản xuất - chế tạo.

Do tác động của dịch bệnh, các ngành công nghiệp trên sẽ kéo tụt 1,2% GDP quý 1 và 0,3% GDP năm 2020 của Trung Quốc. Dự báo này chưa tính đến các tác động kép từ các ngành khác, nhất là tác động dài hạn của chất lượng tín dụng.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mốc 97,787 thiết lập phiên trước lên 98,004. Đồng đô la Australia hôm nay giữ giá và dao động ở mức 1 AUD đổi 0,6738 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi lên, với dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ nhích giá 0,87% lên 50,04 USD/thùng còn giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 0,96% lên 54,48 USD/thùng.

Các chuyên gia dự báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh có thể sẽ cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Nhóm các quốc gia này đã đẩy lịch họp chính sách dự kiến tổ chức vào tháng 3 lên tháng 2. Không ít ý kiến lo ngại giá dầu năm nay sẽ sụt giảm 2 con số.

Theo đó, giá dầu thô của Mỹ dự báo sẽ trượt dốc 19% trong năm nay còn dầu Brent sẽ giảm giá khoảng 18% và dịch viêm phổi cấp do virus corona sẽ hạn chế đáng kể nhu cầu thị trường. Các nhà phân tích của Moody’s cho rằng với mức giá dầu như hiện nay, nhiều nhà sản xuất hàng hóa sẽ sớm cắt giảm sản lượng và đầu tư.

Tin liên quan
Tin khác