Siemens đang tìm kiếm những cơ hội gì ở Việt Nam, thưa ông?
Siemens chính thức mở văn phòng đại diện tại Việt Nam năm 1993 và từ đó đến nay đã thực hiện thành công nhiều dự án cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Chúng tôi hiện là một trong những nhà cung cấp công nghệ hàng đầu về đổi mới sáng tạo trên các lĩnh vực nguồn điện, quản lý điện năng, dịch vụ nguồn điện, hệ thống vận chuyển, công nghệ tòa nhà, nhà máy số, quy trình công nghiệp và truyền động điện và y tế. Với cam kết làm ăn lâu dài tại Việt Nam, chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh những lĩnh vực này.
Về lĩnh vực năng lượng, tính đến năm 2014, tổng công suất lắp đặt của Việt Nam vào khoảng 33 GW, trong đó Siemens đóng góp khoảng 14% trong tổng sản lượng điện hàng năm của cả nước. Chúng tôi cung cấp nhiều tua-bin khí lớn cho các nhà máy điện khí. Các nhà máy điện chu trình kết hợp như Phú Mỹ 3 (740 MW), Cà Mau 1 và 2 (1.500 MW) và Nhơn Trạch 2 (750 MW) nằm trong các dự án điện thân thiện môi trường và hiệu suất cao nhất tại Việt Nam. Siemens rất quan tâm những dự án điện khí quan trọng sắp tới tại Việt Nam như Ô Môn 3 và Ô Môn 4, Nhơn Trạch 2 mở rộng, Kiên Giang 1, Kiên Giang 2 và các dự án điện khí miền Trung.
Ông Joe Kaeser, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Siemens (Đức) |
Siemens cũng là một trong các doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lĩnh vực truyền tải điện. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam, với một số dự án quan trọng như Sơn La (500 KV), trạm biến áp Duyên Hải và Mông Dương 3. Tôi đã gặp gỡ lãnh đạo EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, thống nhất rằng, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trong các dự án năng lượng trong tương lai. Siemens muốn cung cấp sản phẩm cho những dự án dầu khí, hóa chất, phân bón và lọc dầu.
Ngoài ra, Siemens cũng muốn cung cấp công nghệ cho Dự án Đường sắt cao tốc Bắc -Nam và các dự án tàu điện ngầm sắp tới tại Hà Nội và TP.HCM. Chúng tôi đang đợi TP.HCM mở thầu cho Dự án Tàu điện ngầm số 2. Chúng tôi không những có thể cung cấp thiết bị, mà còn thu xếp các giải pháp tài chính cho Dự án.
Siemens có kế hoạch xây dựng thêm nhà máy tại Việt Nam không?
Hiện chúng tôi có 1 nhà máy tại Bình Dương và cũng đang nghiên cứu thị trường. Nếu cần thiết, có thể chúng tôi sẽ xây thêm nhà máy nữa để đóng góp vào an ninh năng lượng của Việt Nam.
Các doanh nghiệp công nghệ cao đều đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển (R&D). Liệu Siemens có xây một trung tâm R&D tại Việt Nam?
Chúng tôi đã cân nhắc và đang nghiên cứu thị trường để thực hiện kế hoạch này. Việt Nam có ngành công nghệ thông tin rất phát triển, với đội ngũ kỹ sư lành nghề, rất giỏi về phát triển phần mềm.
Đặc biệt, Siemens Việt Nam đã vượt qua các nước khác trong khu vực ASEAN để được Tập đoàn Siemens lựa chọn thành lập Trung tâm Kỹ sư giám sát quản lý công trình, nhằm phục vụ các dự án nhà máy điện chu trình kết hợp do Siemens nhận thầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, Trung tâm đang có 15 kỹ sư Việt Nam và số lượng này sẽ tăng gấp đôi trong năm tới.
Trong những năm qua, Siemens cũng hợp tác tốt với nhiều trường đại học của Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh sự hợp tác này trong thời gian tới.
Ông có khuyến nghị gì để Việt Nam phát triển năng lượng bền vững?
Việt Nam nên thúc đẩy các công nghệ hiệu suất cao và thân thiện với môi trường để phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Riêng với ngành điện, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ tập trung phát triển điện khí và giảm bớt phụ thuộc điện than, đồng thời có những chính sách khuyến khích hơn về giá bán điện đối với điện gió. Hiện nay, giá điện năng lượng tái tạo của Việt Nam khá thấp, gây khó khăn cho các nhà đầu tư khi muốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.