Theo Bộ Y tế, liên quan đến lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần đã xảy ra một số vụ việc phức tạp, một số đối tượng đã lợi dụng có bệnh án tâm thần để gây án hoặc trốn tội gây bức xúc trong xã hội cũng như gây khó khăn đối với các cơ quan tố tụng trong điều tra, xử lý các vụ án.
Ảnh minh hoạ. |
Để công tác giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần được triển khai chặt chẽ, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của cơ quan tố tụng, đánh giá đúng tỷ lệ tổn thương cơ thể cũng như tình trạng tâm thần của đối tượng giám định, không để xảy ra hành vi làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần.
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, lưu trữ hồ sơ bệnh án và cấp tóm tắt bệnh án tâm thần cho người bệnh.
Cán bộ được giao nhiệm vụ khám bệnh tâm thần cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án tâm thần không đúng tình trạng bệnh lý tâm thần và không đúng quy định của pháp luật.
Các Sở Y tế tỉnh, thành phố và y tế các bộ, ngành tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khám, điều trị, cấp bệnh án ngoại trú điều trị bệnh tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.
Viện Pháp y Quốc gia và Sở Y tế các địa phương tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức pháp y trong việc triển khai thực hiện các hướng dẫn chuyên môn tại các Thông tư do Bộ Y tế ban hành và tại các văn bản pháp luật liên quan.
Đối với Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, Bộ Y tế yêu cầu nghiêm việc tiếp nhận trưng cầu/yêu cầu của cơ quan tố tụng, của các tổ chức, cá nhân và thực hiện giám định khách quan, trung thực, chính xác, đúng quy trình, đúng quy định.
Tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát về tình hình, kết quả giám định theo quyết định trưng cầu; chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; chỉ bàn giao kết luận giám định, đối tượng giám định cho cá nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật
Bộ Y tế cũng nêu rõ, nếu đơn vị nào để xảy ra việc thực hiện giám định thiếu khách quan, thiếu trung thực, không chính xác, không đúng quy trình, quy định thì Thủ trưởng đơn vị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thời gian qua, bệnh án tâm thần đã trở thành “kim bài” cho nhiều đối tượng phạm tội trốn tránh trách nhiệm hình sự. Có kẻ tội phạm khi bị bắt trưng giấy chứng nhận bị tâm thần để trốn tội. Tội phạm giả điên không còn là chuyện hy hữu và làm giả bệnh án tâm thần không đơn thuần là sai phạm nghề nghiệp, vi phạm đạo đức, mà chính là hành vi tiếp tay, bao che cho tội phạm.
Điển hình là vụ án đường dây làm giả bệnh án tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho hàng chục đối tượng hình sự vào tháng 6/2018.
Công an TP.Hà Nội đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam 2 cán bộ Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bác sĩ chuyên khoa II Thân Thái Phong, Phó trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng.
Cơ quan điều tra đã yêu cầu rà soát 94 hồ sơ bệnh án, trong đó có tới 41 hồ sơ là của các đối tượng giang hồ cho thấy có đường dây “chạy bệnh án” cho các đối tượng phạm pháp hình sự nhằm trốn tránh việc xử lý của cơ quan pháp luật.
Ngoài mặt trái nêu trên thì theo các chuyên gia y tế, sức khoẻ tâm thần hiện là một vấn nạn của xã hội hiện đại, đòi hỏi các giải pháp cấp thiết để hạn chế hệ luỵ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay, mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật lên tất cả các nước trên thế giới, không chỉ riêng quốc gia nào. Hằng năm, các ca tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới khoảng 74% các ca tử vong chung trên toàn thế giới.
Trong các bệnh không lây nhiễm thì vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới ước tính, cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất.
Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Vào năm 2020, số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có tại các cơ sở, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có khoảng 15 triệu người. Trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 đến 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Theo báo cáo cuối năm 2021 của UNICEF, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần.