Thời sự
Siêu dự án được kéo dài thời gian ưu đãi thuế?
Mạnh Bôn - 17/11/2014 08:04
() PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu đề xuất của Bộ Tài Chính về việc kéo dài thời gian áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% đối với các siêu dự án được Quốc hội thông qua, thì hy vọng không chỉ Samsung, mà nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất..
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đừng để chính sách ưu đãi thuế chỉ nằm trên giấy
Siêu dự án Lọc hóa dầu Victory Nhơn Hội: Từ hồ nghi đến hy vọng
Nhà máy ô tô Cần Thơ: Hưởng ưu đãi hàng triệu USD vẫn nợ nần bết bát
Siêu dự án BĐS nghỉ dưỡng 2,5 tỷ USD bắt đầu "vào vạch"
Tổng cục Thuế phản hồi về kết luận của Thanh tra Chính phủ

Ông có đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế về việc áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm đối với ngành công nghiệp hỗ trợ?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế không chỉ hướng đến xử lý khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn, mà còn nhằm thúc đẩy những lĩnh vực, ngành nghề gắn chặt với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, đó là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, dự án áp dụng công nghệ cao, thu hút “siêu dự án”.

   
  PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách   

Tôi ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, dù ngân sách có thể giảm thu 400 tỷ đồng/năm. Đây là giải pháp quan trọng giúp các ngành sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện đầu vào; giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh...

Thế còn ưu đãi tối đa đối với “siêu dự án” thì sao, thưa ông?

Bộ Tài chính đề xuất cho dự án có quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỷ đồng được kéo dài thời gian áp thuế suất 10% tối đa lên 30 năm, thay vì 15 năm như hiện nay.

Nếu được Quốc hội thông qua, thì đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn trong xu thế các nhà đầu tư lớn trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc đang tìm kiếm địa chỉ đầu tư mới. Với chính sách ưu đãi mới, hy vọng không chỉ có Samsung mà nhiều tập đoàn đa quốc gia sẽ chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất.

Nếu Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế, hàng năm ngân sách sẽ phải bỏ ra 1.300 tỷ đồng để hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT)?

Theo quy định hiện hành, hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi; dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; tàu đóng mới hoặc nâng cấp dùng để khai thác thủy sản xa bờ thì không thuộc đối tượng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào vì không có thuế GTGT đầu ra, nên không khuyến khích được doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực cần đẩy mạnh xã hội hóa.

Nếu cho phép khấu trừ thuế GTGT đối với hoạt động này sẽ tạo ra cú hích, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, cơ sở đào tạo, nhà máy xử  lý ô nhiễm môi trường, thì ngân sách sẽ giảm đầu tư cho lĩnh vực này.

Hơn nữa, khi được khấu trừ thuế đầu vào, suất đầu tư giảm, nên giá dịch vụ y tế, giáo dục (học phí, viện phí) của cơ sở xã hội hóa cũng giảm xuống. Từ đó, người dân không chỉ được hưởng lợi nhờ có nhiều trường học, bệnh viện để lựa chọn sử dụng dịch vụ, mà còn được hưởng lợi nhờ học phí, viện phí hợp lý. Như vậy là bỏ ra một con săn sắt có thể bắt được nhiều con cá rô.

Hoạt động xã hội hóa đang được hưởng rất nhiều ưu đãi từ xây dựng cơ sở vật chất, giao đất, cho thuê đất, tín dụng, huy động vốn... Vậy có nhất thiết phải mở thêm ưu đãi nữa không, thưa ông?

Chính sách là vậy, nhưng trên thực tế, hầu như không dự án xã hội hóa nào được hưởng ưu đãi về tín dụng, được giao đất sạch, được huy động vốn với lãi suất thấp, chứ nói gì đến chuyện chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vật chất rồi cho tổ chức, cá nhân thuê lại để cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục.

Tôi cho rằng, chỉ có chính sách hoàn thuế GTGT đầu vào với hàng hóa để tạo tài sản cố định của dự án xã hội hóa mới đủ sức khuyến khích tổ chức, cá nhân bỏ tiền ra đầu tư vào lĩnh vực này, vì đây là chính sách thiết thực, không nằm trên giấy, không phải là nghị quyết chung chung.

Tin liên quan
Tin khác