Tiêu dùng
Siêu thị ở Cần Thơ đang “chở củi về rừng”
P.K - 25/09/2014 14:24
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ mới đây, đại diện các siêu thị trên địa bàn cho biết, tuy ở trung tâm vùng nông sản lớn nhất cả nước nhưng lại phải nhập mặt hàng này phần lớn từ các chợ đầu mối của TP.Hồ Chí Minh.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sơn Hà chốt đối tác ngoại trong tháng 10
Hàng Việt "đổ bộ" vào siêu thị ở Paris tráng lệ
Doanh nghiệp bán lẻ Việt tìm kiếm mối hàng Nhật
Nước mắm Phú Quốc vào siêu thị bằng "cửa chính"

Theo báo cáo từ Sở Công thương TP.Cần Thơ, trong năm 2013, doanh thu của 8 siêu thị trên địa bàn thành phố đạt 2.240 tỷ đồng, trong 8 tháng đầu năm nay đạt trên 1.572 tỷ đồng.

Hàng hoá kinh doanh tại các siêu thị phong phú, mẫu mã đa dạng với 90% là hàng Việt Nam. Một số siêu thị thời gian qua tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường của thành phố, thực hiện tốt chương trình hàng Việt về nông thôn…

   
  Ở trung tâm vùng nông sản lớn nhất cả nước nhưng các siêu thị Cần Thơ lại phải nhập hàng từ các chợ đầu mối của TP.HCM  

Tuy nhiên, mặt hạn chế là số lượng hàng hoá có thế mạnh tại địa phương như rau quả, trái cây, thực phẩm tươi sống đưa vào siêu thị rất hạn chế. Một số lượng hàng hoá nông sản  được các siêu thị trện địa bàn nhập từ các chợ đầu mối và vùng chuyên canh sản xuất lớn từ các địa phương thông qua hệ thống thu mua của công ty mẹ.

Nghịch lý là có những mặt hàng nông sản được sản xuất tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL được chở đến bán ở các chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh, sau đó các công ty mẹ của siêu thị thu gom các mặt hàng này rồi lại điều phối về lại các siêu thị ở nơi sản xuất. Cách làm này chẳng khác gì “chở củi về rừng”.

Trong khi đó, tại các địa phương trong vùng, khi nông dân làm ra sản phẩm đạt chất lượng tốt lại rất khó đưa vào siêu thị bởi các nguyên nhân:  Khâu sản xuất của người nông dân có những mặt yếu kém như: sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; chưa xây dựng thương hiệu, quy trình đảm bảo chất lượng, chưa tổ chức được đầu mối để ký kết hợp đồng với các siêu thị. Các siêu thị chi nhánh không có quyền quyết định thu mua sản phẩm; sự liên kết giữa người sản xuất, cung cấp và siêu thị chưa chặt chẽ, chưa có “tiếng nói” chung.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) nêu điển hình: “Trong thời gian qua, một số siêu thị đã liên kết tiêu thụ nông sản ở địa phương theo hình thức ký gởi hàng hoá.

Tuy nhiên, theo phản ánh của các nông hộ làm ăn với siêu thị thì phương thức thanh toán của siêu thị là hàng tuần hoặc hàng tháng mới thanh toán một lần. Khi hàng hoá ký gởi bán không hết thì các siêu thị lại mang trả và trừ lại tiền của nông dân, phương thức mua bán này đã khiến nhiều nông dân không còn mặn mòi bán sản phẩm cho siêu thị vì thà bán “buông đuôi” ra bên ngoài giá rẻ hơn, nhưng lấy tiền mặt và không bị trả lại hàng thì xem ra vẫn có lợi hơn so với bán cho siêu thị”.

Đại diện một số quận, huyện khác cũng nêu khó khăn trong xúc tiến hàng hoá vào siêu thị do mỗi siêu thị có một tiêu chuẩn thu mua sản phẩm khác nhau, tuy nhiên thời gian qua bộ tiêu chuẩn này chưa được phổ biến đến người sản xuất, ngay như những người làm công tác quản lý tại địa phương cũng chưa biết các siêu thị cần hàng hoá như thế nào thì làm sao chỉ đạo sản xuất. Do đó, trong thời gian tới các siêu thị phải phổ biến rộng rãi tiêu chuẩn, quy cách hàng hoá để người sản xuất nắm và làm đúng các yêu cầu để được bán sản phẩm vào siêu thị.

Theo đại diện của ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ, thành phố có rất nhiều sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm được thị trường nước ngoài chấp nhận nhưng có rất ít trong số đó được đưa vào siêu thị. Còn theo báo cáo từ Sở Công thương TP.Cần Thơ, thành phố có 31 doanh nghiệp, cơ sở , hợp tác xã cung cấp hàng hoá cho 4 siêu thị với các mặt hàng như: gạo, bún, sản phẩm thịt, cá, rau củ quả…với giá trị tiêu thụ trong 8 tháng chỉ hơn 123 tỷ đồng bằng khoảng 7,8% trong tổng doanh thu của các siêu thị trên địa bàn.

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hoá trên địa bàn TP.Cần Thơ chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội; trên địa bàn có sự góp mặt của nhiều hệ thống siêu thị lớn như: Metro, Co.op Mark, Big C, Vinatex…và sắp tới sẽ có thêm Lotte, Vincom. Tuy TP.Cần Thơ đã là đô thị loại I trực thuộc Trung ương nhưng tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp còn rất cao với sản phẩm nông nghiệp phong phú đa dạng nhưng số lượng sản phẩm được đưa vào hệ thống phân phối hiện đại: nhà hàng, khách sạn, siêu thị còn ít, đây là một hạn chế trong khâu quy hoạch, tổ chức sản xuất.

Ông cũng đề nghị các ngành hữu quan xúc tiến ngay việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, mỗi năm xây dựng thương hiệu từ một đến hai sản phẩm nông sản chủ lực, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm đáp ứng hàng hoá cho hệ thống phân phối hiện đại, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tin liên quan
Tin khác