Chần chừ vài tháng mất hơn trăm triệu đồng
Con trai dự định lập gia đình, ông Lê Văn Khải (Ninh Bình) muốn mua cho con một căn chung cư tại Hà Nội. Ngoài số tiền 300 triệu đồng tiết kiệm được, ông Khải bàn với vợ bán lô đất gần 1.000m2 của gia đình để thêm tiền cho con.
Đầu năm 2021, cầm trong tay gần 1,5 tỷ đồng, ông Khải lên Thủ đô tìm mua nhà. Nhưng ông Khải đành thất vọng quay về khi cả khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm, Thanh Xuân gần cơ quan của con trai, không có dự án nào có căn hộ tầm giá dưới 2 tỷ đồng.
Quay trở lại Hà Nội đầu tháng 7 vừa rồi với kỳ vọng dịch bệnh sẽ khiến giá nhà “dễ thở” hơn nhưng ông đã sốc nặng khi vẫn dự án mà ông ưng trước đó nay giá bán đã tăng hơn 5%, thêm hơn 2 triệu đồng/m2. Hiểu rằng nếu tiếp tục chần chừ, số tiền gần 2 tỷ sẽ càng khó mua nhà, ông Khải quyết định chọn một căn 60 m2 tại một khu đô thị ở Nam Từ Liêm với giá hơn 2,5 tỷ đồng theo hình thức trả góp.
“Nhà thì trước sau gì vẫn phải mua, không thể đi thuê mãi được. Nếu biết sớm mà chốt từ hồi đầu năm thì đã tiết kiệm được hơn trăm triệu đồng”, ông Khải tiếc nuối.
Bất động sản tại các khu vực vệ tinh đang ngày càng có giá khi quỹ đất ở trung tâm eo hẹp và không đủ không gian phát triển các tiện ích |
Theo số liệu từ các sàn bất động sản, hiện giá chung cư tại Hà Nội đã hình thành mặt bằng giá mới. Nếu 3 năm trước căn hộ cao cấp giá bán chỉ khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2 thì đến nay phân khúc này tăng giá phi mã lên 40 - 60 triệu đồng/m2. Các phân khúc khác giá cũng liên tục thiết lập những đỉnh mới. Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, theo xu hướng này, chỉ một thời gian ngắn nữa, dòng sản phẩm căn hộ 2 tỷ đồng tại Hà Nội sẽ “tuyệt chủng”.
Trong khi đó, theo Báo cáo của Savills Việt Nam, đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp tăng. Giá chào bán sơ cấp trung bình đạt 1.625 USD/m2 (khoảng 37,4 triệu đồng/m2), tăng 7% theo quý và 11% theo năm. Tính từ năm 2017 đến nay, giá căn hộ tại Cầu Giấy trên thị trường sơ cấp đã tăng 14%/năm, tại Long Biên tăng 12%/năm. Tại các quận, huyện khác sức nóng thấp hơn giá mở bán cũng ghi nhận mức tăng khá mạnh.
Miễn nhiễm với dịch bệnh
Các chuyên gia nhận định sở dĩ thị trường bất động sản có thể “sống khỏe” giữa đại dịch là nhờ được tiếp sức bởi 3 loại “siêu vắc-xin” gồm: nguồn cung khan hiếm, chi phí đầu vào tăng vọt và bất động sản là kênh đầu tư hấp dẫn.
Báo cáo quý II/2021 của Bộ Xây dựng cho thấy, cả nước chỉ có 69 dự án nhà ở được cấp phép mới, bằng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, không ít dự án đang phải “đắp chiếu” do quy định giãn cách xã hội hoặc chủ đầu tư bị đứt gãy dòng tiền. Điều này sẽ làm cho thị trường càng khan hiếm sản phẩm nhà ở hoàn thiện sẵn, có thể dọn vào ở ngay.
Giá nhà miễn nhiễm với dịch bệnh, đặc biệt các dự án đón đầu quy hoạch, đầy đủ tiện ích đang thiết lập mặt bằng giá mới do nhu cầu cao |
Trong khi đó, theo các chuyên gia, nhà ở là sản phẩm phục vụ nhu cầu và kế hoạch sinh sống trong dài hạn của người dân nên không liên quan nhiều đến những sự kiện như bệnh dịch. Ngược lại, trong điều kiện giãn cách xã hội, người dân phải ở nhà nhiều hơn, ngôi nhà phải “gánh” nhiều công năng hơn khi vừa là nơi ở, vừa trở thành văn phòng, lớp học, nơi nghỉ ngơi, thư giãn… Các yếu tố này đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của con người về nơi ở, tác động đến quyết định mua nhà trong dài hạn và “kích hoạt” những cuộc đua giành không gian, đặc biệt là ở một quốc gia đang trong giai đoạn dân số vàng như Việt Nam.
Từ Savills Việt Nam, TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Bộ phận đầu tư dẫn chứng có dự án khi lập kế hoạch, chủ đầu tư dự kiến sau 2 năm sẽ có sản phẩm và giá bán căn hộ chỉ 25 - 30 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, bất ngờ sau đó các quy định cấp phép bị siết chặt khiến dự án kéo dài, thời gian từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đến quy hoạch 1/2.000, quy hoạch 1/500 và hoàn thành nghĩa vụ tài chính mất đến 5 năm. Thời gian càng kéo dài, chi phí đầu vào càng tăng nên khi mở bán giá đã lên 50 - 60 triệu đồng/m2.
“Giá bán tăng lên là giá thực, không phải bong bóng do không có hàng để bán và sẽ không có chuyện rớt giá”, TS. Sử Ngọc Khương phân tích.
Ở một góc độ khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, giá nhà tăng mạnh thời gian qua còn do đây đang là kênh đầu tư được người Việt tin tưởng trong bối cảnh COVID-19 khiến nhiều lĩnh vực kinh tế, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản phẩm đầu tư hấp dẫn trong khi cầu vượt cung nên xu hướng tăng giá sẽ còn tiếp diễn. “Xuống tiền” tại thời điểm này, người dân sẽ sở hữu được nhà ở giá tốt, nhà đầu tư sẽ có cơ hội hưởng lợi từ những lần “lập đỉnh” tiếp theo của giá bất động sản, nhất là sau khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
“Đầu tư vào bất động sản là đầu tư rất ít rủi ro trong tình hình hiện nay vì mua nhà, mua đất, mua căn hộ, biệt thự thì vẫn giữ được đồng tiền và tiềm năng sinh lời cao”, ông Châu đánh giá.