Ông Steve Wozniak, đồng sáng lập Apple, chia sẻ tại Hội thảo SMAC 2015 về kinh nghiệm áp dụng công nghệ thông tin mới. Ảnh: Lê Toàn |
Hội thảo SMAC 2015 với chủ đề: Kết nối giá trị - Khơi dậy tiềm năng, do Tổng công ty Viễn thông MobiFone tổ chức tại TP.HCM vào ngày 2/12 vừa qua, đã thu hút sự quan tâm của 400 lãnh đạo doanh nghiệp đến cập nhật xu hướng mới, cũng như trao đổi kinh nghiệm về áp dụng công nghệ mới SMAC trong quản trị kinh doanh. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của nhà đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak.
Tại Hội thảo, ông Steve Wozniak cũng chia sẻ câu chuyện ứng dụng công nghệ SMAC thành công, giúp Apple tạo ra sự đột phá như thế nào. “Apple bắt đầu xây dựng hệ sinh thái với việc thiết kế một ứng dụng riêng, tích hợp vào chiếc iPhone đầu tiên. Theo thời gian, số lượng ứng dụng càng nhiều, dẫn đến sự ra đời của cửa hàng ứng dụng App Store. Đây có thể nói là bước tiến quan trọng, vì nó giúp chúng tôi tạo ra một không gian tương tác với khách hàng, cũng như thu hút được nhiều người tham gia viết chương trình ứng dụng cho iPhone. Nhờ phát triển hệ sinh thái theo hướng mở, doanh số của chiếc smartphone này đã tăng rất nhanh”.
Ông cũng khẳng định, điện toán đám mây và dữ liệu lớn đang cực kỳ phát triển, đặc biệt là khi tất cả chúng ta đều đã quen có một thiết bị di động kết nối với dữ liệu dù ở bất kỳ đâu. Công nghệ SMAC hỗ trợ mọi công ty dù lớn hay nhỏ theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, Amazon giúp một start-up dễ dàng mở cửa hàng và bán hàng nhanh chóng. Microsoft Office 365 giúp công ty hoạt động và quản lý tốt các ứng dụng văn phòng và quản trị doanh nghiệp.
Ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ. “Bắt kịp xu thế của thế giới, trong hai năm vừa qua, MobiFone là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, nhằm tăng hiệu quả cho hoạt động kinh doanh. Với phương châm “kết nối giá trị, khơi dậy tiềm năng”, MobiFone đang hướng tới cùng với các doanh nghiệp và đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái SMAC, nơi mà các doanh nghiệp có thể làm việc chặt chẽ với nhau trên nền tảng dữ liệu lớn và điện toán đám mây, từ đó gia tăng giá trị các doanh nghiệp”.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chính thức ký kết các hiệp định thương mại tự do, việc cạnh tranh trên sân nhà đòi hỏi doanh nghiệp trong nước hiểu rõ hành vi của khách hàng để triển khai các dịch vụ và chương trình hỗ trợ phù hợp. Do đó, việc ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu và điện toán đám mây là rất cần thiết, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và sáng tạo.
Ông Lưu Danh Anh Vũ, Giám đốc điện toán đám mây của IBM Việt Nam nhận định: “Các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cạnh tranh trên sân nhà, mà còn cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài đưa dịch vụ qua đám mây mà không cần vào Việt Nam như hãng taxi Uber. Vì vậy, nếu biết nắm bắt cơ hội và ứng dụng công nghệ mới như điện toán đám mây và dữ liệu lớn thì cơ hội đem lại cho doanh nghiệp là vô cùng to lớn”.
“Bên cạnh những tập đoàn lớn như MobiFone và các công ty đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ tại thị trường Việt Nam, thì xu hướng áp dụng công nghệ SMAC của doanh nghiệp trong nước đang có dấu hiệu tăng lên. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng, cũng như tiềm năng của công nghệ mới trong việc tăng lợi thế cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu sử dụng một phần điện toán đám mây như hạ tầng, hạ tầng về mặt ứng dụng hay những sản phẩm làm sẵn, chỉ cần kích hoạt sử dụng để nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh”, ông nói thêm.
Đồng quan điểm trên, ông A.V. Parthasarathy, Giám đốc Công tư tư vấn quản lý KPMG ASEAN khẳng định, doanh nghiệp cần phải thấu hiểu khách hàng để từ đó đưa ra những dịch vu, sản phẩm khách hàng mong muốn, cũng như cải thiện trải nghiệm và độ hài lòng của khách hàng. Hiện nay, số lượng người sử dụng internet qua thiết bị điện thoại đang tăng nhanh tại Việt Nam, với hơn 32 triệu người và thời gian sử dụng trung bình gần 3 giờ mỗi ngày. Do đó, việc khai thác dữ liệu lớn còn giúp doanh nghiệp vươn tới những khách hàng tiềm năng tốt hơn.