Khi TPHCM trở thành thành phố thông minh, chỉ cần với thiết bị điện tử cầm tay, người dân có thể dễ dàng lựa chọn dịch vụ y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, biết được khu vực nào kẹt xe, ngập nước… để chủ động về mặt thời gian, có hướng di chuyển phù hợp. |
Cho dù đang đóng góp khoảng 27-28% ngân sách cả nước hàng năm nhưng phần thu TP.HCM được giữ lại (18%) là không thể đáp ứng đủ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một đầu tàu kinh tế. Trong khi đó, xu hướng đô thị hóa mạnh khiến tăng dân số cơ học trở thành một trong những thách thức đối với cơ sở hạ tầng của TP.HCM (năng lượng, đường sá, cầu cống, trường học, chăm sóc y tế...)
Theo thống kê mới nhất từ UBND TP.HCM về “Tổng kết tình hình kinh tế xã hội năm 2018”, cứ mỗi 5 năm, TP.HCM có thêm một triệu dân, tức còn lớn hơn dân số của nhiều tỉnh thành. Diện tích thì chỉ mới chiếm 0,6% cả nước nên áp lực về nhà ở, đất đai, vốn đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cũng lớn hơn rất nhiều các địa phương khác.
Không chỉ có cơ sở vật chất “cứng” chưa bắt kịp nhu cầu, những hạ tầng “mềm” cũng đang dần trở nên quá tải. Đơn cử như lực lượng cán bộ công chức của TP.HCM hầu như không có nhiều thay đổi lớn suốt những năm qua. Hiện mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố đang phục vụ cho khoảng 700 dân. Trong khi đó, mức bình quân của cả nước là mỗi công chức phục vụ khoảng 350 dân.
Tuy vậy, ở một góc nhìn khác, không thể phủ nhận được năng lực phát triển kinh tế của TP.HCM. Vậy làm sao để nới rộng “chiếc áo” đang quá chật chội để “cơ thể” đang lớn lên từng ngày ấy vẫn giữ vững vai trò của một đầu tàu kinh tế, tiên phong trong hội nhập và góp phần cùng cả nước bắt kịp trình độ phát triển kinh tế-xã hội của thế giới? Chỉ có cách kiến thiết lại cách thức phát triển và các mô hình quản trị xã hội theo hướng thông minh mới có thể sản sinh ra đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của một cỗ máy đang trong thế tăng tốc - GRDP năm sau liên tục tăng cao hơn năm trước và nhanh hơn rất nhiều so với mặt bằng chung cả nước.
Cùng với Nghị quyết 54 của Quốc hội về áp dụng cơ chế đặc thù, đại kế hoạch về một thành phố thông minh (smart city) đã thực sự vận hành. Và ở đó, nguồn lực lớn nhất mà TP.HCM được “tiếp sức” liên tục chính là chất xám của lực lượng 4,5 triệu lao động (sẽ còn tăng thêm trong tương lai). Đây là nguồn lực tự thân, lớn nhất và không có giới hạn về sức sáng tạo với sự tập hợp của đông đảo nhân lực trình độ cao trong và ngoài nước từ rất nhiều lĩnh vực công nghệ. Với đội ngũ này, TP.HCM có thể chủ động phát minh ra những sáng chế mới, huy động và sử dụng nguồn tài chính, đất đai... theo cách hiệu quả nhất.
“TP.HCM đang có thu nhập bình quân đầu người gấp hơn 2 lần cả nước, là nơi có thể tập trung tài nguyên, mật độ, nguồn lực và cường độ lao động cao. Vì vậy không cần đợi tới khi thật giàu vẫn có thể chọn cách phát triển thông minh ngay”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Smart city nghĩa là sử dụng tài nguyên thông minh hơn để tạo ra tăng trưởng cao hơn, hiệu quả hơn, tránh được các yếu tố bất ngờ hoặc hạn chế các cuộc khủng hoảng…
Smart city là tạo ra hệ thống dịch vụ xã hội tốt hơn, thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, rẻ hơn và dễ dàng tiếp cận hơn cho người dân. Smart city còn hàm ý cả một hệ thống chính quyền phục vụ trơn tru hơn, thông minh hơn. Đó là chính quyền điện tử, và xa hơn nữa là chính quyền số.
Ngoài ra, Smart city cũng là nơi mà mỗi người dân đóng vai trò như một chủ thể sáng tạo, một “cảm biến” của xã hội, có thể tham gia ý kiến xây dựng chính quyền và giám sát các hoạt động của xã hội ấy.
Những phác thảo đầu tiên đã thành hình
Với smart ctiy, lần đầu tiên để có được cơ sở dữ liệu, người ta không cần phải “chạy đi xin các sở ngành”. Khi hoàn chỉnh trụ cột “Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở” này, cả người dân và doanh nghiệp đều có quyền tiếp cận nguồn dữ liệu về kinh tế - xã hội của toàn thành phố như một nền tảng tham khảo để tự ra các quyết định.
Với trụ cột “Trung tâm mô phỏng và dự báo”, những người làm quản lý nhà nước có thể ước định được tương lai phát triển ở từng lĩnh vực mình phụ trách. Không còn cảnh thỉnh thoảng “giật mình” trước các diễn biến khác thường về kinh tế, xã hội, môi trường…
Ngoài ra, smart city còn có những trụ cột khác như: Trung tâm Điều hành thành phố thông minh - phục vụ công tác quản lý xã hội theo thời gian thực; Trung tâm An toàn thông tin - quản trị và bảo vệ hệ thống dữ liệu đã được kết nối, liên thông, chia sẻ...
Trước mắt, theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM, hiện tất cả 4 trung tâm này đều đã vận hành giai đoạn 1 từ đầu năm 2019.
Cùng với các sở ngành có liên quan khác, dự kiến một báo cáo tiền khả thi sẽ sớm được hoàn tất và trình lên Lãnh đạo TP.HCM để giai đoạn 2 của các trung tâm trên sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động.
Smart city đều sẽ đi theo chủ trương cơ bản là lấy cư dân làm trung tâm. Theo đó, thị trường việc làm sẽ sôi động hơn, nhiều cơ hội hơn, thu nhập cũng sẽ được cải thiện. Với đô thị thông minh, môi trường sống sẽ tốt lên, người dân được tiếp cận nhiều tiện ích hơn, được tương tác với chính quyền để phản ánh ý kiến và giám sát chính quyền... Vì vậy, những “sản phẩm” ưu tiên hàng đầu của smart city sẽ là các giải pháp công nghệ thông minh gắn với những bức xúc lớn của xã hội như: giao thông, ngập nước, môi trường, an ninh trật tự, giáo dục, tương tác với chính quyền…
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho hay “với ứng dụng ban đầu, các nhà lãnh đạo Thành phố giờ đây đã có thể kịp thời nắm được tình hình chung về kinh tế - xã hội trên địa bàn để có hướng điều hành thích hợp. Sau tết nguyên đán sẽ có cả hệ thống camera được tích hợp để xử lý các tình huống thực địa về cứu hộ, cứu nạn, giao thông…”.
Tất nhiên, một đô thị thông minh không chỉ đang tìm kiếm nguồn lực kỹ thuật cho các giải pháp công nghệ mà còn cần cả các giải pháp phi công nghệ như điều chỉnh chính sách cho huy động nguồn tài chính toàn xã hội hoặc hoàn thiện pháp lý cho các mối hợp tác giữa các bộ ngành và những mối quan hệ trong từng ngành dọc. Và không hiếm trong số các giải pháp ấy đang vượt ra ngoài thẩm quyền của một địa phương như TP.HCM.
Điển hình như mong muốn xây dựng một trung tâm cứu nạn, cứu hộ cho tất cả các tình huống khẩn cấp thông qua một đầu số duy nhất (như kiểu đầu số 911 của Mỹ). Muốn làm như vậy phải hợp nhất các đầu số hiện tại (113, 114, 115). Mà điều này lại liên quan tới nhiều bộ ngành như: thông tin truyền thông, y tế, công an... Nghĩa là giải pháp kỹ thuật dù không khó nhưng cần sự thay đổi của nhiều quy định pháp luật.
Ví dụ như để cứu nạn, cứu hộ thì cơ quan chức năng cần được cung cấp vị trí của đối tượng cần giúp đỡ cũng như một số thông tin khác. Tuy nhiên các quy định hiện hành cần được xem xét lại hoặc bổ sung thêm cho chặt chẽ vì liên quan tới quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, khi đã được luật hóa thì các nhà mạng mới “buộc phải” đầu tư hạ tầng hợp lý để cung cấp dữ liệu cho cơ quan cứu hộ cứu nạn.
Vậy người dân và DN có thể làm gì để cùng “xắn tay” với chính quyền lúc này? Đó là chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, không phải chỉ ở tư thế của người sử dụng mà cũng cần trở thành người cung cấp giải pháp, sản xuất phần mềm lẫn phần cứng (các thiết bị đầu cuối thông minh), kể cả là thiết bị gia dụng, thiết bị cho DN hay quản lý nhà nước. Bởi chỉ có sự làm chủ nhất định về công nghệ thì mới có thể duy trì sự an toàn, an ninh cho smart city.