Đầu tư và cuộc sống
Số bệnh nhi sởi nhập viện điều trị là “kỷ lục”
Thùy Giang - 16/04/2014 10:36
Mấy tháng gần đây, dịch sởi đang lây lan với tốc độ nhanh chóng mặt, mà theo nhận định của phó giáo sư Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương - thì số bệnh nhi sởi nhập viện điều trị là “kỷ lục.”
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Thuốc trị cúm Tamiflu thực sự hiệu quả?
Sớm cung ứng 20.000 liều vắc xin thủy đậu
Hà Nội muốn khống chế dịch sởi vào tháng 4
Sẵn sàng nâng cấp độ ứng phó với cúm A/H7N9
Dịch sởi: Nguyên nhân và lưu ý phòng, chống

 


Bác sỹ chăm sóc, theo dõi bệnh nhi bị sởi. (Ảnh: TTXVN)


Trước những diễn biến bất thường của dịch sởi, nhiều người tỏ ra lo sợ với dịch bệnh này. Đặc biệt, với những người cha, người mẹ đang ngày ngày đêm chăm sóc cho các bé bị bệnh sởi nặng phải thở máy mới thấy hết được những nỗi sợ hãi mà họ đang phải đối mặt.

Hy vọng mong manh

Ngồi trên chiếc ghế ngoài hành lang khoa lây, hai vợ chồng chị Phạm Hải Yến ở thành phố Hải Dương trong tâm trạng thẫn thờ.

Trên gương mặt người phụ nữ 28 tuổi này đôi mắt dường như không còn được tinh anh, gương mặt chị hốc hác. Chị chống cả tay lên chiếc thành ghế phía trên nhìn xa xăm cố kìm nén những giọt nước mắt như lúc nào cũng chỉ trực trào ra.

Chị Yến cho hay, hơn nửa tháng nay cả nhà tất bật chăm sóc cho cậu con trai 10 tháng tuổi chữa trị trong viện. Cuối tháng Ba, cháu vào Bệnh viện Nhi Trung ương chữa viêm đường hô hấp, sau khi ra viện được 3 ngày thì bé có những triệu chứng của bệnh sởi. Giữa tuần trước, gia đình chị lại đưa bé vào viện vì bệnh sởi nặng lên. Sau khi vào viện được hai ngày bé phải thở máy vì sởi đã biến chứng vào phổi.

Chỉ biết ngồi vân vê vạt áo, khi được hỏi bé đã được tiêm phòng chưa? Chị Yến nghẹn ngào cho hay, do mấy tháng nay bé ốm liên miên nên gia đình chưa tiêm phòng được. Vì cơ thể yếu, nên khi chữa bệnh hô hấp, bé bị lây chéo bệnh sởi nên virus tấn công rất nhanh vào cơ thể bé.

Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bé N.D.T. 11 tháng tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) đang trong tình trạng phải thở máy suốt nhiều ngày nay.

Tâm sự bên ngoài chiếc cửa kính trong suốt cách em bé chưa đầy 1 mét, anh Nguyễn Ngọc Khương cho hay, hơn 3 tháng trở lại đây bé ốm lay lắt suốt, hết viêm đường hô hấp đến phổi. Gia đình đã cho bé vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, sau khi bé chữa khỏi phổi về nhà 12 ngày lại sốt, phát ban có thể do sởi.

Thấy bệnh tình của bé có những dấu hiệu nặng lên, anh Khương đã cho con vào Bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, tình trạng bệnh của bé ngày càng nặng lên và phải thở máy từ ngày 12/4. Hiện bé T. bị viêm phổi rất nặng, suy hô hấp.

"Luôn ý thức việc tiêm phòng cho con, con đầu 5 tuổi đã tiêm, nhưng em bé này từ 7 tháng tuổi đã ốm liên tục nên chưa được tiêm phòng," anh Khương chia sẻ.

Cũng tại phòng cấp cứu Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhi B.T.S (9,5 tháng tuổi, Thường Tín, Hà Nội) vào khoa nhi đã được 5 hôm, trong tình trạng suy hô hấp và phải thở máy ngay. Hiện tại, bệnh nhi viêm phổi, suy gan, hiện bắt đầu có dấu hiệu suy thận, tình trạng rất nguy kịch.

Kể về tình trạng bệnh của con mình, anh Bạch Long Vĩ (28 tuổi) như cố gắng kìm nén nỗi đau. Vừa đứng dựa cửa kính vừa chăm chú dõi theo đứa con thơ đang phải thở máy, anh chỉ biết chờ đợi trong thẫn thờ, vì gia đình anh được dự báo phải đối mặt với những tình huống xấu nhất.

Anh Vĩ cho hay, bé S. là bé trai con đầu lòng của anh, nên gia đình rất cẩn thận. Những ngày đầu, ngay khi bé có dấu hiệu sốt cao, anh và vợ đã đưa cháu đi khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương và được cho về nhà theo dõi.

Khi về nhà được một ngày, thấy con quấy khóc nhiều, mọc ban ở miệng, đêm hôm hai vợ chồng anh lại bắt xe ra viện khám lại nhưng bác sỹ vẫn cho xuất viện. Lo lắng quá, anh đã đưa con về Bện viện Nông nghiệp nằm một đêm, sáng sớm xe cấp cứu chuyển bé ra Bệnh viện Bạch Mai vì bé suy hô hấp, khó thở và phải vào máy thở ngay lập tức.

Khoanh tay trước ngực, một tay chống lên cằm nhìn về phía bé trai, anh Vĩ rất lo lắng. Anh cho hay: “Mấy ngày trước gia đình khóc hết nước mắt, nhưng các bác sỹ động viên, phân tích, chữa trị hết mình nên gia đình cũng bình tâm hơn. Chỉ tiếc một điều là gia đình tôi đã đưa bé đi khám khi có những biểu hiện rất sớm. Vậy mà… bé vẫn đang phải đối mặt với số phận rất mong manh.”

Số bệnh nhi bị sởi “kỷ lục”

Trước dịch sởi diễn biến bất thường với nhiều ca tử vong do biến chứng nặng khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng tột độ.

Hiện nay, theo thống kê của ngành y tế, bệnh sởi đã xuất hiện rải rác tại 59 tỉnh, thành phố có tính chất chu kỳ sau 4 năm kể từ vụ dịch năm 2009-2010.
 
Mỗi ngày, số lượng bệnh nhân tới khám tái Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn đông. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)
Phó giáo sư Lê Thanh Hải cho hay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương số bệnh nhi nhập viện từ đầu năm do bệnh sởi đạt mức “kỷ lục.” Theo đó, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 1.200 ca mắc sởi, biến chứng nặng phải nhập viện. Trung bình mỗi ngày, khoa này tiếp nhận 30 trẻ mắc sởi và luôn có từ 200-250 bệnh nhân biến chứng nặng phải nằm viện.

Theo ông Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện tại các bác sỹ của bệnh viện điều trị cho 340 bệnh nhân sởi người lớn và trẻ em, trong đó có hơn 50 bệnh nhân nặng phải thở máy, nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm não sau mắc sởi.

Về tình trạng tiêm chủng vắcxin sởi, theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6%), chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắcxin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2%).

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu, điều đó cho thấy tính cần thiết của việc tiêm chủng mũi 2 vắcxin sởi trong tiêm chủng thường xuyên.

Ông Phu cũng cho hay, nguyên nhân tử vong của trẻ bị mắc sởi chủ yếu là viêm phổi sau sởi liên quan đến giai đoạn chuyển mùa Đông-Xuân, khí hậu ở phía Bắc lạnh và ẩm, các bệnh đường hô hấp phát triển mạnh trong giai đoạn này. Song có nhiều bệnh do virus và vi khuẩn gây viêm phổi ở trẻ nhỏ đi kèm với sởi hoặc mắc biến chứng sau sởi rất khó phân lập và xác định được nguyên nhân.

Sau gần 4 tháng “tung hoành” bệnh sởi đang “reo rắc” nỗi đau vào nhiều gia đình, cướp đi sinh mạng của cả trăm em bé thơ. Những câu chuyện buồn, những cái kết do bệnh sởi mang lại vẫn đang đe dọa tới sức khỏe của nhiều em bé, là nỗi ám ảnh về tinh thần của nhiều bậc cha mẹ.

Trước những diễn biến phức tạp và khó lường của bệnh sởi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế cần tính toán, cân nhắc, công bố dịch sởi nếu thực sự cần thiết./.  

Diễn biến dịch sởi nặng nhất 40 năm qua

Nhận định trên được đưa ra bởi PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương. Vị chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ này cho biết, trong 40 năm hành nghề, ông chưa từng thấy năm nào có dịch sởi diễn biến nặng như năm nay.

 

Tin liên quan
Tin khác