Bảo vệ và phát triển bản quyền tác phẩm mỹ thuật trong kỷ nguyên số
Trên thế giới, ngày càng nhiều viện bảo tàng cung cấp hình ảnh truy cập mở về tác phẩm thuộc phạm vi công cộng. Có thể kể đến một số trung tâm mỹ thuật quốc gia như Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan tại TP. New York (Hoa Kỳ).
Bảo tàng Metropolitan cung cấp nhiều hình ảnh và dữ liệu kỹ thuật số ghi lại lịch sử phong phú của rất nhiều tác phẩm mỹ thuật hiện có tại bảo tàng.
Đối với các tác phẩm mỹ thuật thuộc phạm vi công cộng, từ ngày 7/2/2017, Bảo tàng Metropolitan cho phép hình ảnh của các tác phẩm được cung cấp rộng rãi, sử dụng không hạn chế và miễn phí theo Giấy phép Creative Commons Zero (CC0).
Còn đối với các tác phẩm có bản quyền hoặc các hạn chế khác, để truy cập, khách hàng phải gửi yêu cầu theo biểu mẫu đến Art Resource - đối tác cấp phép hình ảnh của bảo tàng.
Riêng đối với các hình ảnh dành cho mục đích giáo dục và nghiên cứu, khách hàng có thể gửi yêu cầu truy cập đến Scholars Resource với cam kết không xuất bản hoặc sao chép với bất kỳ mục đích nào khác.
Để nâng cao sự thuận tiện trong giao dịch và tối ưu phương thức thực hiện, các công cụ ứng dụng công nghệ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu quảng bá, hướng đến xúc tiến thương mại hóa toàn cầu. Tiêu biểu là nền tảng Monegraph, ra mắt vào năm 2014, sử dụng các kỹ thuật phân cấp và các giao thức cơ sở dữ liệu phân tán dựa trên công nghệ blockchain. Mục đích của nền tảng này là đảm bảo tính an toàn cho các tác phẩm và tạo kênh trung gian giúp tác giả và chủ sở hữu tác phẩm tìm kiếm thu nhập từ việc giao dịch tranh ảnh mỹ thuật.
Các tác phẩm kỹ thuật số giao dịch trên Monegraph đều được gắn thẻ kỹ thuật số để xác định danh tính. Qua đó, người mua tác phẩm có thể tìm hiểu và xác minh về nguồn gốc của các tác phẩm. Thông qua blockchain, Monegraph cho phép tác giả và chủ sở hữu tác phẩm cập nhật thường xuyên hình ảnh và chất lượng tác phẩm, đảm bảo giá trị thương mại của các tác phẩm nghệ thuật trên các kênh thương mại điện tử trong tương lai.
Cơ hội và thách thức từ việc số hóa tác phẩm mỹ thuật
Số hóa là một phương thức truyền thông để nhiều người biết đến các tác phẩm mỹ thuật, phổ biến nhất là thị trường tài sản không thể thay thế (NFT). Thông qua việc mã hóa các tài sản trí tuệ như tác phẩm mỹ thuật trên nền tảng công nghệ blockchain, NFT giúp đảm bảo tính xác thực và minh bạch trong giao dịch tài sản, không bị sao chép hoặc giả mạo, từ đó giúp cải thiện định giá tác phẩm mỹ thuật trong nước và nâng tầm giá trị của các tác phẩm mỹ thuật nước nhà trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Hiện nay, NFT được xem là một dạng tài sản kỹ thuật số.
Ra mắt lần đầu vào tháng 4/2021, Dự án Cổng trời được xem là một trong những dự án công nghệ NFT số hóa các tác phẩm mỹ thuật chính thức đầu tiên ở nước ta. Không chỉ là địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số, dự án này còn có mục tiêu giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Thời gian qua, một số nền tảng nổi bật khác đã phát triển trên thị trường NFT Việt Nam. Thành lập vì mục tiêu đồng hành cùng nghệ sĩ để mang tác phẩm đến gần với công chúng hơn, Art Space trưng bày các tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số của nhiều nghệ sĩ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Hay nền tảng Avatar Art phát triển bởi Công ty cổ phần ByteNext, nền tảng Indochine Art của Công ty Tầm nhìn mỹ thuật Đông Dương đều đang trưng bày và hỗ trợ các nhà sáng tạo nghệ thuật biến các tác phẩm mỹ thuật thành NFT để tiến hành giao dịch trên các sàn giao dịch tác phẩm mỹ thuật số này.
Mặc dù vậy, đến nay, việc đưa tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số vào thị trường nghệ thuật thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bên cạnh các rủi ro về định giá tác phẩm mỹ thuật và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, một vấn nạn đáng lo ngại là hành vi xâm phạm quyền tác giả do tính chất dễ dàng sao chép, lưu trữ của dữ liệu kỹ thuật số.
Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan, ban, ngành cần vào cuộc kiểm tra, giám sát vi phạm trên thị trường NFT, đồng thời quản lý, kiểm soát nghĩa vụ của các giao dịch mua bán tác phẩm mỹ thuật kỹ thuật số nói riêng và tài sản số nói chung tại Việt Nam.
Về phía các đơn vị sự nghiệp như viện bảo tàng, trung tâm mỹ thuật ứng dụng hay các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, nên xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng về khía cạnh xác định bản quyền tác phẩm, nhằm thúc đẩy phát triển các tác phẩm mỹ thuật nổi bật dưới dạng hình ảnh kỹ thuật số của nước nhà, đảm bảo minh bạch trong việc cân bằng quyền lợi cá nhân và nâng cao lợi ích cộng đồng.