Cho đến thời điểm này, có thể thấy, nhiều kiến nghị loại bỏ điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý, như quy định văn phòng của đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải rộng 90 m2…, đã được chấp nhận. Nhiều nghị định về điều kiện kinh doanh không còn các quy định như vậy. Nhưng doanh nghiệp lại có mối lo lớn, đó là các nội dung này có thể xuất hiện ở dạng khác, thưa ông?
Bản chất của mối lo này là sự không rõ ràng, mù mờ trong các quy định của pháp luật. Trong quá trình rà soát và góp ý vào các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh với các bộ, ngành và Chính phủ, chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh điều này, bởi vẫn có ý kiến từ các bộ cho rằng, so với nhiều nền kinh tế khác, điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã đơn giản rồi, vấn đề là ở cấp thực thi, nên không cần phải sửa đổi văn bản, mà chỉ là thúc đẩy và kiểm soát thực thi.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Phải thẳng thắn rằng, nếu các quy định còn trao quyền phán xét cho công chức, không đòi hỏi trách nhiệm giải trình, khi các quy định còn có nhiều cách diễn giải, thì còn có chỗ để công chức thực thi làm khó doanh nghiệp.
Chính vì vậy, ngay sau khi các nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7, chúng tôi vẫn đề nghị tiếp tục rà soát, bao gồm cả các nghị định về điều kiện kinh doanh vừa được ban hành, các quy định hiện hành theo các luật chuyên ngành… và cả danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Đặc biệt, chúng tôi đề nghị rà soát hệ thống quy định về quy chuẩn trong các ngành, lĩnh vực, vì vừa rồi, nhiều điều kiện kinh doanh không đúng chuẩn đã được loại ra, các bộ, ngành dự kiến sẽ đưa vào các quy định về quy chuẩn. Tuy nhiên, cũng phải làm rõ, các nội dung này có thực sự là quy chuẩn để cơ quan quản lý nhà nước ban hành không, hay chỉ là tiêu chuẩn mà doanh nghiệp tự công bố và thực hiện…
Ông cũng đã nói đến lo ngại về việc giấy phép con sau khi hết chỗ sống lại khu trú vào các quy chuẩn hay vào các loại thủ tục hành chính khác. Khi đó, gánh nặng thanh tra, kiểm tra sẽ càng làm khó doanh nghiệp?
Nếu tư duy làm thay, lo thay doanh nghiệp vẫn còn trong các công chức, cơ quan quản lý nhà nước, thì không thể giải quyết được lo ngại này.
Khi giải trình để giữ lại điều kiện kinh doanh mà VCCI đề nghị bãi bỏ, rất nhiều ý kiến từ các bộ, ngành cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, nên phải mở từ từ, hay nếu không kiểm soát thì doanh nghiệp sẽ vi phạm…
Với tư duy đó, các quy chuẩn cũng trở nên “nhạy cảm” với doanh nghiệp. Chúng tôi đề nghị, quy trình ban hành các quy chuẩn cũng phải được lấy ý kiến các đối tượng bị điều chỉnh. Nguyên tắc cũng phải là đơn giản, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Khi đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ thực hiện đúng quy định, kiểm tra sự tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các quy định rõ ràng, minh bạch, chứ không phải là chỗ để hạch sách doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhắc nguyên tắc đổi mới tư duy, không áp đặt tư duy cũ vào các văn bản mới thì mới có thể giải phóng sức sản xuất, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Có thể nhìn thấy một khối lượng công việc không hề nhỏ trong thời gian tới, thưa ông?
VCCI kỳ vọng từ năm 2017, Việt Nam sẽ thực sự có được môi trường kinh doanh thuận cho sự phát triển của doanh nghiệp theo đúng cam kết của Chính phủ.
Để đạt được điều này, 6 tháng cuối năm, VCCI sẽ chủ động rà soát từng ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng như các quy định có liên quan và kiến nghị trực tiếp tới các bộ, ngành và Chính phủ.
Cũng phải nói thêm, theo rà soát ban đầu của VCCI, trong danh mục 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, ít nhất 1/10 có thể loại ra.
Vừa rồi, một số bộ, ngành đã chủ động đề xuất tương tự, như loại bỏ ngành kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản… ra khỏi Danh mục trên, vì không cần quản lý bằng điều kiện kinh doanh.
Tuy nhiên, song song với các đề xuất gỡ bỏ rào cản kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, VCCI cũng sẽ cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để tuyên truyền, thúc đẩy trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực thi pháp luật, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm xã hội với cộng đồng, người tiêu dùng…
Với các rào cản điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp có thể tìm nhiều cách vượt qua, nhưng với rào cản về trách nhiệm với người tiêu dùng, cách duy nhất là chất lượng sản phẩm và dịch vụ.