Doanh nghiệp
Hôm nay (1/7): Xóa sổ hàng ngàn điều kiện kinh doanh sai chuẩn
Khánh An - 01/07/2016 10:37
Hôm nay, ngày 1/7/2016, gần 3.000 điều kiện kinh doanh ban hành tại các thông tư hết hiệu lực. Cũng từ thời điểm này, các bộ, ngành hết quyền dựng rào cản kinh doanh.

Loại bỏ hàng loạt điều kiện sai chuẩn

Sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa để có nhận định chính xác về những thay đổi của hệ thống điều kiện kinh doanh trong các nghị định vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực trong ngày hôm nay (1/7), song có thể thấy trước, hàng loạt điều kiện kinh doanh từng làm khổ các doanh nghiệp trước đó bị xóa sổ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết, chỉ riêng việc loại bỏ được những điều kiện kinh doanh không cần thiết, theo kiểu cần có diện tích phòng bằng này, số nhân viên bằng kia… hay những điều kiện mù mờ, theo kiểu thiết bị phù hợp, dụng cụ làm bằng vật liệu ít hư hỏng… sẽ có tác động không hề nhỏ tới quyền kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Điều kiện kinh doanh thường tạo nên nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước do cơ chế tiền kiểm. Ảnh: Đức Thanh

Điểm lợi nhất, theo ông Tuấn, đó là gỡ được các hệ lụy mà điều kiện kinh doanh vẫn thường gây ra, song song với việc đạt 4 mục tiêu theo Luật Đầu tư (đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia; trật tự, an toàn xã hội; đạo đức xã hội và sức hỏe của cộng đồng).

“Các hệ lụy này thường ít được các cơ quan ban hành  điều kiện kinh doanh nhắc tới. Đó là giảm tính cạnh tranh của thị trường, tăng cơ hội độc quyền cho doanh nghiệp có được giấy phép. Việc áp đặt công nghệ, thiết bị, quy mô hoạt động khiến doanh nghiệp khó sáng tạo, đổi mới, kéo theo chất lượng, giá cả sản phẩm, dịch vụ không có áp lực phải tăng/giảm theo nhu cầu thị trường”, ông Tuấn phân tích.

Đặc biệt, các điều kiện kinh doanh thường tạo nên nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu doanh nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước do cơ chế tiền kiểm, vì doanh nghiệp phải được cấp phép, cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn rồi mới được bắt tay vào kinh doanh. Đó là chưa kể rất nhiều điều kiện kinh doanh buộc người kinh doanh phải đầu tư trước mà không dám chắc có được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận hay không. Rủi ro kinh doanh luôn ở mức cao, nhất là với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ở góc độ bao quát hơn, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thậm chí còn nhìn thấy, trong quyết định loại bỏ các nhóm điều kiện kinh doanh sai chuẩn này có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn. Vì, khi chấp nhận “trả về đúng chỗ” các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ quan quản lý nhà nước đồng thời phải chấp nhận thực hiện cơ chế hậu kiểm.

 “Công chức nhà nước sẽ không thể ngồi phòng lạnh “đẻ” điều kiện kinh doanh, mà phải sát với doanh nghiệp, đưa ra các quy chuẩn, tiêu chuẩn dựa trên quy trình sản xuất của các ngành, các doanh nghiệp. Trong cơ chế này, doanh nghiệp tuân thủ tốt sẽ luôn được hưởng lợi nhờ quy trình quản lý rủi ro”, ông Cung nói.

Cũng phải nhắc lại, đầu tháng 5/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải có công văn gửi 14 các bộ, ngành được giao nhiệm vụ rà soát các điều kiện kinh doanh để giải thích sự khác biệt giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Vì trước đó, trong các cuộc làm việc với các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát hiện sự nhập nhằng, thiếu chính xác trong cách hiểu và phân định các nội dung này.

“Nhiều quy định về đặc tính kỹ thuật, yêu cầu quản lý đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ - là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật - được gọi là điều kiện kinh doanh. Trong khi mục đích của điều kiện kinh doanh là ngăn cản, hạn chế doanh nghiệp, cá nhân gia nhập thị trường, thì nhiều bộ, ngành lại coi đó là công cụ để quản lý chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. Tình trạng này khiến điều kiện kinh doanh phức tạp, rối rắm, làm khó cho doanh nghiệp, nhưng cũng không phục vụ được mục tiêu mà các cơ quan quản lý nhà nước đề ra”, ông Cung phân tích.

1/7 không phải là ngày cuối của cải cách

Đáp lại những nghi ngại về chất lượng của các điều kiện kinh doanh vừa được ban hành của giới kinh doanh vì cho rằng, thời gian thực hiện gấp gáp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM khẳng định: “Không nên quá nghi ngại”.

Ông Hiếu có nhiều lý do để tin vậy, nhưng ít nhất có 2 điểm được cho là sẽ tạo nên chất lượng của sự thay đổi.

Thứ nhất, mặc dù thời gian gấp, nhưng quyết định rà soát lại từng điều trên cơ sở 311 kiến nghị của VCCI và 67 kiến nghị của CIEM của Chính phủ, với sự tham gia giải trình của các bộ, ngành đã tạo nên sự cọ sát rất mạnh mẽ về tư duy, nhận thức giữa cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng thực thi.

Thứ hai, yêu cầu các bộ, ngành loại bỏ quyền lợi cục bộ khi đưa ra các điều kiện kinh doanh của Thủ tướng Chính phủ.

“Cho dù vẫn còn xu hướng thích tiền kiểm trong các đề xuất của các bộ, ngành, nhưng áp lực giải trình khiến họ phải tìm kiếm thêm các công cụ mới thay thế. Đặc biệt, chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đã được nhấn mạnh lại với nghĩa vụ phải ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để làm công cụ quản lý. Điều này khẳng định nguyên tắc bỏ điều kiện kinh doanh không có nghĩa là bỏ quản lý nhà nước. Thậm chí, trách nhiệm quản lý nhà nước sẽ nặng nề hơn”, ông Hiếu nói.

Điểm mấu chốt là, ngày 1/7 không phải là điểm cuối cùng của quá trình cải cách về điều kiện kinh doanh, rộng hơn là môi trường kinh doanh của Việt Nam. Chính bởi vậy, ông Hiếu tin vào những thay đổi về chất trong giai đoạn tới.

“Đợt rà soát này có thể coi là bước tập dượt của các bộ, ngành cho một yêu cầu lớn hơn rất nhiều của Luật Đầu tư, đó là rà soát toàn bộ, toàn diện các điều kiện kinh doanh để xem xét bãi bỏ, bổ sung… theo từng năm. Với cách làm này, áp lực này, tôi tin vào chất lượng của điều kiện kinh doanh mới”, ông Hiếu khẳng định.

Tuy vậy, cũng không thể bỏ qua thực tế là, quy định cấm ban hành điều kiện kinh doanh ở cấp thông tư đã có từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, sau đó đã được nhắc lại trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Rõ ràng, không đơn giản thực hiện ngay được mong muốn cải cách này.

Và, vẫn còn lại câu hỏi, đó là sự thay đổi tích cực có thực sự lớn không, sẽ diễn ra như thế nào trong thực tế. Bởi, khoảng cách giữa văn bản và thực thi luôn là một trong những vướng mắc lớn nhất trong các khảo sát doanh nghiệp về môi trường kinh doanh Việt Nam.

Phải tạo được hệ thống pháp luật tốt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.


Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khi rà soát điều kiện kinh doanh, Chính phủ không chỉ đòi hỏi tiến độ, mà rất quyết liệt về chất lượng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không nâng cơ học điều kiện kinh doanh từ thông tư lên nghị định, mà phải rà soát, loại bỏ những gì không cần thiết, không phù hợp…

Cũng có ý kiến e ngại chất lượng các văn bản này, nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan được giao chủ trì tổng hợp, cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, VCCI... đã làm việc quyết liệt. Chúng tôi hy vọng sẽ có những sản phẩm tốt nhất.

Sau khi các nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành, công việc rà soát sẽ vẫn tiếp tục.

Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo luật sửa một luật để tháo gỡ vướng mắc trong thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Luật này sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2016. Mục tiêu là phải tạo được hệ thống pháp luật tốt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đón nhận các dòng đầu tư mới.

Cả Nhà nước và doanh nghiệp cùng phải thay đổi cách làm.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Khi Chính phủ chuyển hình thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm hơn với công việc kinh doanh, cũng phải chuyển từ tự phát sang tự giác, phải chịu trách nhiệm lớn hơn với các sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường.

Trước đây, doanh nghiệp có trong tay giấy chứng nhận đủ điều kiện là “yên tâm công tác”, coi như bảo bối, nhiều khi làm ăn thiếu trách nhiệm cũng không sao, vì tiền kiểm chặt thường đi đôi với hậu kiểm lỏng.

Nay, rào cản kinh doanh được rũ bỏ, hàng rào về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội, với người tiêu dùng tăng lên. Doanh nghiệp buộc phải làm tốt liên tục mới có thể gây dựng uy tín với xã hội cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Có thể nói, khi nhà nước thôi lo thay doanh nghiệp, làm thay doanh nghiệp, không chỉ rút bớt đi rào cản mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn lên về trách nhiệm, về nhân cách và văn hóa kinh doanh.

Tin liên quan
Tin khác