Thời sự
Sóc Trăng tập trung khai thác tiềm năng du lịch
Trúc Giang - 30/06/2015 08:09
Với nỗ lực đầu tư cho du lịch, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội gắn với du lịch sinh thái, Sóc Trăng chủ trương phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hình thành hệ thống các tour, tuyến, điểm du lịch liên vùng.

Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cuối hạ lưu sông Hậu, có diện tích tự nhiên là 3.311 km2, phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh, phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Nam giáp biển Đông. Nằm trên các tuyến quốc lộ chính nối liền các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như Quốc lộ 1A, Quốc lộ Nam sông Hậu, Quốc lộ 60 và tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Sóc Trăng cách TP.HCM 230 km, cách TP. Cần Thơ 60 km.

Lễ hội đua ghe ngo của người Khmer là một sản phẩm du lịch đặc sắc của tỉnh Sóc Trăng

 

Bên cạnh lợi thế về phát triển nông - lâm - thủy - hải sản, năng lượng điện gió…, Sóc Trăng còn có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lễ hội...

Nằm trải dài dọc theo phía Nam sông Hậu, phù sa bồi đắp quanh năm, tạo ra các dãy cù lao lớn nhỏ, vườn cây trái sum sê, trĩu quả… không chỉ mang lại giá trị về sản xuất nông nghiệp, mà còn là lợi thế để Sóc Trăng phát triển du lịch sinh thái sông nước, tiêu biểu là Khu du lịch cồn Mỹ Phước thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Nằm cách thị trấn Kế Sách 10 km, cồn Mỹ Phước nổi tiếng với nhiều loại trái ngon, như xoài, sầu riêng, cam, quít, nhãn, măng cụt… Nơi đây từ lâu đã trở thành điểm tham quan du lịch sinh thái nổi tiếng của Sóc Trăng.

Với bờ biển dài 72 km, nhiều bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển…, du lịch sinh thái biển của Sóc Trăng cũng rất phong phú, đa dạng. Các khu du lịch sinh thái biển Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu), Mỏ Ó (huyện Trần Đề)… là những nơi hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh.

Đặc biệt, Sóc Trăng là nơi hội tụ lâu đời của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, với các lễ hội văn hóa, tín ngưỡng, các công trình kiến trúc độc đáo, mang bản sắc riêng. Đây cũng là tiềm năng lớn về du lịch của tỉnh. Lễ hội Ooc om boc và đua ghe ngo của người Khmer Sóc Trăng diễn ra vào ngày 15/10 Âm lịch hàng năm là ngày hội lớn không chỉ của đồng bào Khmer, mà còn của người dân Sóc Trăng và các tỉnh lân cận. Lễ hội này đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Sóc Trăng, thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến xem.

Bên cạnh đó, Lễ hội

Nghinh Ông (huyện Trần Đề), Lễ hội cúng Phước Biển (thị xã Vĩnh Châu) với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… diễn ra hàng năm là một trong những sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Sóc Trăng.

Nói đến sản phẩm du lịch Sóc Trăng, không thể không nhắc đến nét độc đáo, đặc sắc của kiến trúc chùa chiền, các cơ sở thờ tự của người Kinh, Khmer, Hoa như chùa Dơi (còn gọi là chùa Mã Tộc hay chùa Mahatup), chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự), chùa Kh’Leang, chùa Chén Kiểu (chùa SroLôn)… Các ngôi chùa này luôn là điểm tham quan không thể thiếu trong các tour du lịch tại Sóc Trăng.

Sóc Trăng còn có nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác, như vườn cò Tân Long, chợ nổi Ngã Năm (thị xã Ngã Năm), vườn nhãn Vĩnh Châu (thị xã Vĩnh Châu), khu văn hóa Hồ Nước Ngọt (TP. Sóc Trăng)…

Ông Lâm Vĩnh Phương, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Trong những năm qua, ngành du lịch Sóc Trăng đã đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, tập trung đầu tư mặt bằng Cồn Nổi số 3 Song Phụng (huyện Long Phú), đường và cầu tàu cồn Mỹ Phước (huyện Kế Sách), tuyến đường vào Hồ Bể (thị xã Vĩnh Châu), bờ kè sông Maspero (TP. Sóc Trăng), tuyến đường vào chùa

Mahatup (TP. Sóc Trăng)… Việc đầu tư trên đã tác động tích cực đến thu hút du khách cũng như thu hút các thành phần kinh tế đến khảo sát đầu tư vào du lịch của tỉnh.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh Sóc Trăng đón 534.193 lượt khách tham quan, trong đó khách nội địa là 518.534 lượt, khách quốc tế là 15.659 lượt khách, với tổng doanh thu đạt trên 197 tỷ đồng.

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong khai thác tiềm năng, phát triển du lịch, nhưng ngành du lịch của Sóc Trăng vẫn còn nhiều hạn chế, đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư vào du lịch còn khiêm tốn, các dự án kêu gọi đầu tư vào du lịch triển khai còn lúng túng, chậm tiến độ so với phê duyệt của UBND tỉnh. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh còn kém, chưa đáp ứng dược yêu cầu thu hút khách tham quan, việc kết nối tour, tuyến từ các điểm tham quan chưa thực hiện tốt, từ đó làm ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch của tỉnh.

Theo ông Lâm Vĩnh Phương, để du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh cần một định hướng phát triển du lịch có tầm chiến lược, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Đồng thời, ông Phương đưa ra các giải pháp cụ thể cần làm.

Thứ nhất, quy hoạch phát triển du lịch dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt.

Thứ hai, liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL và TP.HCM. Do điều kiện tự nhiên, nên các sản phẩm du lịch của các tỉnh trong vùng thường trùng lắp, nên khó phát triển du lịch riêng lẻ của mỗi tỉnh. Việc liên kết giữa các địa phương sẽ xây dựng được cơ chế hợp tác phát triển du lịch trên cơ sở xây dựng sản phẩm đặc thù, phù hợp với tài nguyên du lịch của từng tỉnh, theo hướng hạn chế phát triển sản phẩm du lịch trùng lắp.

Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch của địa phương, góp phần phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, làm tăng giá trị tài nguyên và môi trường văn hóa - lễ hội, văn hóa tâm linh và sinh thái cho các khu vực khai thác du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác phát triển đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh…

Theo Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhanh, bền vững; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; ưu tiên phát triển các loại hình du lịch văn hóa - lễ hội gắn với du lịch sinh thái. Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, hình thành hệ thống các tour, tuyến, điểm du lịch liên vùng, mở rộng hợp tác du lịch Sóc Trăng gắn với các tỉnh trong vùng. Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh…

Tin liên quan
Tin khác