SoftBank đã mua Arm với giá 32 tỷ USD vào năm 2016 và bán 25% cổ phần của hãng thiết kế chip cho quỹ VF1 với giá 8 tỷ USD vào năm 2017. Ảnh: AFP |
Thương vụ trên có khả năng mang về lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư sau nhiều năm chờ đợi.
Các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh tập đoàn đầu tư công nghệ Nhật Bản SoftBank đang chuẩn bị niêm yết hãng thiết kế chip Arm lên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) vào tháng tới với mức định giá từ 60 tỷ đến 70 tỷ USD.
Nếu các cuộc đàm phán đi đến một thỏa thuận, SoftBank sẽ mang về một khoản thu lớn tức thời cho các nhà đầu tư của Vision Fund 1 (VF1), bao gồm Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia và Mubadala của Abu Dhabi. Họ đã phải chịu thua lỗ sau nhiều vụ đặt cược thất bại của SoftBank vào các công ty mới thành lập như nhà cung cấp không gian làm việc WeWork và nền tảng dịch vụ gọi xe Didi Global.
Phương án để VF1 bán cổ phần của mình tại Arm trên thị trường chứng khoán sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thường sẽ mất ít nhất một đến hai năm để hoàn tất với quy mô cổ phần hiện nay của họ. Điều này cũng sẽ gây thêm rủi ro cho các nhà đầu tư của VF1 vì cổ phiếu của Arm có thể trượt giá sau IPO.
Đáng nói, VF1 vừa báo lãi trở lại trong quý gần đây nhờ sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và kỳ vọng sex giúp tăng giá trị của một số công ty khởi nghiệp mà VF1 đã rót vốn.
Thế nhưng, các khoản lỗ trước đó đã ngáng đường SoftBank thu hút các nhà đầu tư bên ngoài đến quỹ Vision Fund 2 (VF2) trong lúc quỹ này hiện có số vốn 56 tỷ USD đến từ SoftBank và giới lãnh đạo của tập đoàn, bao gồm cả Giám đốc điều hành Masayoshi Son.
Các nhà đầu tư của VF1 đang có cơ hội lớn để thúc đẩy SoftBank khai thác vốn của họ một lần nữa và tập đoàn Nhật Bản đang xem xét thành lập quỹ Vision Fund thứ ba.
Theo nguồn tin của Reuters, Giám đốc điều hành Masayoshi Son, người đã thuê ngân hàng đầu tư Raine Group để tư vấn cho thương vụ mua lại cổ phần Arm. Tuy nhiên, ông Son đã rút khỏi các cuộc thảo luận của VF1, để quỹ này có thể đưa ra quyết định mua lại cổ phần Arm một cách độc lập vì lợi ích của các nhà đầu tư.
Một nguồn tin khác cho biết thêm, ủy ban đầu tư của VF1 và ban cố vấn đầu tư của SoftBank, với sự tham gia của đại diện các nhà đầu tư quỹ, đang tiến hành các cuộc đàm phán.
Hiện chưa biết được mức định giá mua cổ phần chính xác dành cho Arm mà hai bên đang thảo luận, nhưng các nguồn tin của Reuters cảnh báo rằng hai bên thậm chí có thể sẽ không đạt được thỏa thuận nào.
Còn nếu thỏa thuận được ký kết, SoftBank sẽ bán ít cổ phần Arm hơn trong đợt IPO sắp tới và có khả năng sẽ giữ lại tỷ lệ cổ phần từ 85% đến 90%, theo các nguồn tin giấu tên của Reuters.
Cả SoftBank, VF1 và Arm đều đã từ chối bình luận về vấn đề trên.
Thương vụ IPO sắp tới của Arm được cho rằng sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho VF1 mà còn cả cho SoftBank, nhất là tập đoàn này đã báo lỗ hàng quý thứ ba liên tiếp vào tuần trước. Thực tế, kết quả kinh doanh sa sút bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm giá trị của các miếng bánh cổ phần lớn tại tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, công ty viễn thông Đức Deutsche Telekom và nhà cung cấp dịch vụ di động Mỹ T-Mobile.
SoftBank đã mua Arm với giá 32 tỷ USD vào năm 2016 và bán 25% cổ phần của hãng thiết kế chip cho VF1 với giá 8 tỷ USD vào năm 2017. SoftBank cũng đã đàm phán với một số công ty công nghệ về việc đưa họ trở thành nhà đầu tư nền tảng của Arm trước khi IPO, trong đó có cả Amazon.
Tuần trước, SoftBank cho biết VF1 đã kiếm được 12,4 tỷ USD từ khoản đầu tư 89,6 tỷ USD, trong khi VF2 báo lỗ 18,6 tỷ USD từ khoản đầu tư 51,8 tỷ USD.
"Ông lớn" đầu tư Nhật Bản đã kích hoạt "chế độ phòng thủ" kể từ tháng 5/2022 sau khi cổ phiếu công nghệ lao dốc mạnh trong lúc lãi suất tăng và bất ổn kinh tế. Nhưng tháng 6 vừa qua, giám đốc điều hành SoftBank cho biết ông đang lên kế hoạch chuyển sang chế độ "tấn công" trước sự quan tâm lớn đối với những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo.
SoftBank đã bắt đầu chuẩn bị cho đợt IPO của Arm sau khi thỏa thuận bán công ty này cho Nvidia Corp với giá 40 tỷ USD bị đổ bể vào năm ngoái, do các cơ quan quản lý chống độc quyền của Mỹ và châu Âu tuýt còi. Thương vụ IPO sắp tới của Arm được đánh giá là có thể huy động lên đến 10 tỷ USD.
Hoạt động kinh doanh của Arm ghi nhận kết quả tốt hơn so với mặt bằng chung của ngành công nghiệp bán dẫn bởi hãng này cấp phép cho các thiết kế bán dẫn thay vì đầu tư xây dựng các hệ thống chế tạo.
Công nghệ bán dẫn của Arm được dùng phổ biến trong các điện thoại thông minh và trung tâm dữ liệu, giúp họ kiếm được các khoản thanh toán tiền bản quyền béo bở. Tuy nhiên, nhu cầu về điện thoại thông minh gần đây suy yếu, khiến lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng.