Bộ trưởng Thể chính là tư lệnh ngành đầu tiên sẽ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày mai.
Cùng với nhóm vấn đề liên quan đế gải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn, việc xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm.
Nhận diện 6 bất cập BOT
Bộ GTVT đang đẩy mạnh việc triển khai áp dụng công nghệ thu giá không dừng tại các dự án BOT |
Theo báo cáo về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV vừa được Bộ GTVT gửi tới các đại biểu Quốc hội, tính đến đầu tháng 6/2018, Bộ này đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực đường bộ 68 dự án với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, lĩnh vực đường thủy nội địa 1 dự án với tổng mức đầu tư 1.303 tỷ đồng, lĩnh vực đào tạo 1 dự án với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng.
Trong số này, Bộ GTVT đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án với tổng mức đầu tư là 166.154 tỷ đồng, cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn; doanh thu tài chính cơ bản phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Đang triển khai đầu tư 12 dự án với tổng mức đầu tư là 43.193 tỷ đồng.
Các dự án sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Cụ thể, theo nghiên cứu của Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, lợi ích của việc tiết kiệm nhiên liệu, tăng vận tốc khai thác, giảm thời gian vận chuyển, khấu hao phương tiện do nâng cấp, cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 sau khi trừ đi phí đường bộ đã giảm bình quân 5%. Chưa tính đến các lợi ích kinh tế do giảm tai nạn giao thông; giảm chi phí xử lý ô nhiễm môi trường...
Mặc dầu vậy, Bộ GTVT thừa nhận bên cạnh các mặt tích cực, các dự án BOT còn tồn tại, bất cập tập trung vào 6 nhóm vấn đề.
Một là, việc nâng cấp, cải tạo công trình hiện hữu là lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích đầu tư tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP, phù hợp với quy định pháp luật, giải quyết được khó khăn về nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự án này hạn chế sự lựa chọn của người sử dụng.
Hai là, việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình.
Ba là, hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định thầu Nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, tuy nhiên việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh. Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn Nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận nghi ngờ về tính minh bạch.
Bốn là, chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu.
Năm là, chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau như: (i) Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 quy định khoảng cách giữa các trạm trên cùng tuyến đường có thể < 70 km nếu được Bộ Tài chính, địa phương thống nhất nhưng dư luận cho rằng khoảng cách < 70 km là vi phạm pháp luật; (ii) giá dịch vụ sử dụng đường bộ chưa đảm bảo công bằng cho các phương tiện khu vực xung quanh trạm và một số phương tiện sử dụng các tuyến đường ngang đi qua trạm, sử dụng quãng đường ngắn; (iii) một số trạm trước đây thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn ngân sách nhà nước được tận dụng lại để chuyển sang thu hoàn vốn cho các dự án BOT, vị trí nằm ngoài phạm vi dự án gây bức xúc cho người sử dụng...
Sáu là, công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa nhận được đồng thuận và có cách hiểu khác nhau trong xã hội đối với các công trình giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Chỉ BOT trên tuyến đường mới
Theo tư lệnh ngành GTVT, từ năm 2016 đến nay, Bộ Giao thông vận tải đã nghiêm túc, cầu thị, từng bước xử lý các bất cập, tồn tại đã được nhận diện nói trên.
Theo đó, dựa trên quy định pháp luật, trong quá trình đàm phán Hợp đồng, Bộ GTVT đã quy định trong Hợp đồng giá trị quyết toán sẽ là giá trị cuối cùng để tính toán thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho dự án.
Đối với công tác kiểm toán, Bộ GTVT đã mời Kiểm toán Nhà nước hỗ trợ kiểm toán các dự án trước khi quyết toán. Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động thanh tra và phối hợp với các đoàn thanh tra của các Bộ, Thanh tra Chính phủ để phát hiện các tồn tại, sai sót nhằm kịp thời điều chỉnh, khắc phục. Đến nay, 56/58 dự án hoàn thành đưa vào khai thác đều đã được quyết toán toàn bộ hoặc một phần. Giá trị quyết toán luôn nhỏ hơn hoặc bằng giá trị được thanh tra, kiểm toán. Trên cơ sở giá trị quyết toán, lưu lượng thực tế, Bộ Giao thông vận tải đã tính toán lại thời gian thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, đa số các dự án giá đều giảm so với hợp đồng, một số dự án phải kéo dài thời gian thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ do lưu lượng thực tế thấp hơn so với dự báo.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, Bộ đã tích cực triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng để kiểm soát chặt, minh bạch hoạt đông thu giá dịch vụ của nhà đầu tư. Đến nay, đã lắp đặt vận hành 24 trạm, 3 trạm đang vận hành chạy thử trước khi vận hành chính thức; giai đoạn 2 đang đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo đến năm 2019 tại tất cả các trạm đều có cửa áp dụng công nghệ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
“Với các giải pháp đồng bộ này, việc kiểm soát doanh thu tài chính của dự án sẽ đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, tốc độ lưu thông qua các trạm thu phí sẽ được cải thiện”, tư lệnh ngành GTVT khẳng định.
Liên quan đến việc xử lý bất cập về vị trí trạm, theo Bộ GTVT, đối với 56 trạm đặt trong phạm vi dự án, khoảng giữa các trạm liền kề phù hợp: đối với các trạm này, chỉ có bất cập về mức giá đối với các phương tiện quanh trạm. Bộ GTVT đã phối hợp với UBND các tỉnh có các giải pháp miễn, giảm giá cho các phương tiện quanh trạm và cơ bản đã giải quyết được các bất cập về giá dịch vụ sử dụng đường bộ.
Đối với 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, hiện 5/6 trạm đã giảm giá cho các phương tiện quanh trạm với phạm vi khoảng 10 km. Sau khi giảm giá quanh trạm, tình hình thu giá ổn định.
Riêng trạm Cai Lậy hiện đang tạm dừng thu, trên cơ sở báo cáo của Bộ GTVT, Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, quyết định phương án thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm Cai Lậy. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung nghiên cứu 2 phương án xử lý bất cập tại trạm Cai Lậy.
Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các Bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về chủ trương đầu tư dự án BOT trên đường hiện hữu, Bộ GTVT cho biết là đã đàm phán với các Nhà đầu tư, làm việc với các địa phương, Bộ, ngành để dừng 4 dự án BOT đã ký Hợp đồng và đang triển khai; dừng 10 dự án đã phê duyệt đề xuất dự án hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
“Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 437, thời gian qua Bộ GTVT đã dừng triển khai chuẩn bị đầu tư một số dự án BOT cải tạo, nâng cấp tuyến đường hiện hữu và sẽ kiên định việc chỉ thực hiện BOT đối với các tuyến đường mở mới, song hành”, Bộ trưởng Thể khẳng định.