Ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Thưa ông, thông tin về số doanh nghiệp đóng cửa, tạm ngừng hoạt động tăng mạnh trong quý I/2016 đang khiến nhiều người lo lắng…
Để xác định xem bản chất câu chuyện này thế nào, cần phải có những phân tích, đánh giá dựa trên số liệu rõ ràng.
Theo số liệu thực tế thống kê từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, quý I/2016 có 2.919 doanh nghiệp giải thể (tăng 13,8% so với cùng kỳ 2015), 8.026 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 44,7%) và 12.018 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể (tăng 13,1%).
Cần lưu ý rằng, 8.026 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là những doanh nghiệp tạm ngừng trong vòng 1 năm và có khả năng sẽ quay trở lại thị trường. Đây phần lớn là những doanh nghiệp kinh doanh theo thời vụ, nên khi hết thời vụ thì họ tạm ngừng để chờ thời vụ tiếp theo hoặc tạm ngừng để tái cơ cấu và sau 1 năm sẽ quay trở lại hoạt động.
Thực tế cho thấy, trong quý I/2016 đã có 9.376 doanh nghiệp trước đây tạm ngừng kinh doanh nay quay trở lại hoạt động (tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015).
Như vậy, trong số hơn 22.000 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh hoặc giải thể, chỉ có 14.973 doanh nghiệp thực sự rút lui khỏi thị trường. Đó là 2.919 doanh nghiệp giải thể và 12.018 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ đóng mã số thuế - đây là những doanh nghiệp đang hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế để chờ giải thể hoặc những doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng không thông báo cho cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, cũng phải ghi nhận sự gia tăng tương đối lớn của số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký với 23.767 doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký là 186.013 tỷ đồng, tăng 24,8% về số doanh nghiệp và tăng 67,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với cùng kỳ năm 2014, thì số lượng doanh nghiệp tăng 29,5% và số vốn tăng 89,8%. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý I/2016 đạt 7,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2015 và 2014 đã tăng lần lượt là 34,5% và 46%.
Với các con số này, có thể thấy tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn trong xu thế chung.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, con số tạm ngừng kinh doanh, giải thể của doanh nghiệp trong quý I/2016 có tăng. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp đang gặp khó khăn?
Sử dụng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở thời điểm đầu năm để đưa ra kết luận về thị trường rủi ro hay doanh nghiệp bất ổn là không hợp lý.
Có 4 lý do để tôi nói như vậy.
Thứ nhất, tôi đã nói ở trên, đó là nhiều doanh nghiệp được thành lập để kinh doanh với tính chất thời vụ, cung cấp các dịch vụ, mặt hàng tiêu dùng phục vụ các nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán. Sau Tết, những doanh nghiệp này tạm ngừng hoạt động để chuyển hướng kinh doanh hoặc chờ thời vụ tiếp theo.
Cũng trong quý I này, một bộ phận doanh nghiệp thực hiện ngừng kinh doanh hoặc giải thể vào thời điểm bắt đầu năm tài chính mới (ngày 1/1) để tránh kê khai, thực hiện các nghĩa vụ cho năm tài chính tiếp theo.
Trong thời gian này, cơ quan thuế cũng đã đẩy mạnh thực hiện công tác giải quyết thủ tục quyết toán thuế, giúp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục giải thể. Do vậy, số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động của quý I thường cao so với các thời điểm khác. Đồng thời, vào dịp Tết âm lịch và tháng Giêng hàng năm, số lượng doanh nghiệp thành lập mới thường thấp hơn các thời điểm khác.
Thứ hai, đây là sự phản ánh quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, đó là đào thải, thanh lọc. Theo quy luật đó, những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ để thay vào đó là những doanh nghiệp mới với những ý tưởng kinh doanh mới có chất lượng hơn.
Như vậy, ở một góc độ nào đó, giải thể hay phá sản doanh nghiệp cũng giúp cho nền kinh tế tái cơ cấu liên tục, làm môi trường kinh doanh sôi động hơn và là cơ sở cho một sự phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, khi nước ta vừa ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, doanh nghiệp có nhiều cơ hội hơn nhưng cũng đứng trước nhiều thử thách hơn thì tính cạnh tranh, xu hướng thanh lọc càng thể hiện mạnh mẽ.
Số liệu thống kê cho thấy tính cạnh tranh và xu hướng thanh lọc đã và đang thể hiện rõ nét kể từ năm 2013 khi liên tục trong các năm, số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường cùng tăng. Biểu đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong quý I/2016 không phải là bất thường so với những năm gần đây.
Thứ ba, nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong việc tạm ngừng những hoạt động kinh doanh không còn hiệu quả để chuyển hướng sang những lĩnh vực khác tiềm năng hơn, thủ tục tạm ngừng kinh doanh hiện nay đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều so với trước đây.
Thứ tư, quá trình hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời gian qua đã từng bước cập nhật đầy đủ, chính xác hơn về số liệu doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Do vậy, có thể nói việc so sánh tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của giai đoạn 2005 – 2007 với thời điểm này là khá khập khiễng.
Trước đây, số liệu về doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động hoàn toàn do các địa phương tổng hợp, báo cáo. Kể từ khi Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đi vào vận hành (năm 2011) cùng với việc thống kê trực tiếp số lượng doanh nghiệp thành lập mới thông qua việc đối soát dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế thì số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể cũng bắt đầu được tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ghi nhận được ở những năm gần đây tăng so với giai đoạn trước.
Tình hình này ở các nước khác thì sao, thưa ông?
Theo số liệu từ cơ quan thống kê của Vương quốc Anh, năm 2012, nước này có 270 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và 255 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (death enterprises). Tỷ lệ doanh nghiệp còn tồn tại sau 3 năm hoạt động là 70%.
Tại Mỹ, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 hoạt động là dưới 50%.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ New Zealand, trong bốn năm liên tiếp (từ năm 2010 đến năm 2013), số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Số liệu thống kê năm 2011 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp giải thể ở mức tương đương nhau. Năm 2009, tổng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường của 26 nước trong khu vực này vượt quá số lượng doanh nghiệp thành lập mới; tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 5 năm (từ năm 2007 – 2012) là 45%.
Chính vì vậy, theo tôi chúng ta nên bình tĩnh với những con số đăng ký mới hay rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp Việt Nam để có những cách nhìn nhận phù hợp, trên cơ sở đó có những đề xuất chính sách đúng và trúng.