Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp |
Bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang có nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp. Ông có nhận xét gì về hoạt động của SCIC thời gian qua?
Chúng ta đều thấy rằng, kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn, kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như tăng trưởng thấp hơn mục tiêu, năng lực nội tại doanh nghiệp chưa phục hồi sau Covid-19, chi phí sản xuất tăng do lạm phát và lãi suất tăng cao, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khó khăn về thị trường xuất khẩu do suy thoái kinh tế thế giới, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh...
Trong bối cảnh đó, hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC cũng gặp nhiều khó khăn. SCIC đã phấn đấu triển khai tốt kế hoạch kinh doanh năm 2023 và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động.
Tổng công ty đã tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn, có tình hình tài chính phức tạp. Bước đầu đạt được những kết quả khá tích cực.
Sau 17 năm hoạt động, SCIC đang có bước chuyển mình. Đâu sẽ là những định hướng phát triển mới của Tổng công ty?
Trong vai trò là nhà đầu tư chuyên nghiệp của Chính phủ, SCIC sẽ tiếp nhận vốn tại các doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng lớn tới xã hội như doanh nghiệp ngành xây dựng, ngành công thương. Một số doanh nghiệp đang xem xét để chuyển giao về SCIC như Habeco, VEAM, HUD…
Cũng có những doanh nghiệp phải xử lý, tái cơ doanh nghiệp nặng nề hơn như trường hợp Tổng công ty cổ phần Sông Hồng hay Công ty cổ phần Triển lãm Hội chợ Giảng Võ, Tổng công ty Giấy kèm Dự án Bột giấy Phương Nam…
Như vậy, SCIC với tư cách là nhà kinh doanh vốn, đầu tư vốn, có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn trong nền kinh tế, phải tăng cường hơn nữa năng lực quản trị của mình từ cả quy trình, quy chế nội bộ, nhân sự…
Với nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu đối với những doanh nghiệp được bàn giao về Tổng công ty, SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh và an sinh xã hội; đồng thời, đảm bảo mục tiêu kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn tới, SCIC cần tập trung nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, với định hướng rõ nét hơn; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả, và những dự án then chốt, trọng yếu, tạo sức lan tỏa và dẫn dắt, mở đường cho các thành phần kinh tế khác cùng đầu tư và phát triển.
Từng bước nghiên cứu chuyển đổi mô hình hoạt động của SCIC theo mô hình tổ chức đầu tư chuyên nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ là nhà đầu tư của Chính phủ.
Sẽ có nhiều doanh nghiệp lớn với dự án then chốt tiếp tục chuyển giao về SCIC. Vậy mô hình SCIC sẽ tiếp tục được phát huy như thế nào, thưa ông?
Các hoạt động, nhiệm vụ của SCIC như quản lý vốn, thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp được triển khai bài bản và có tính hệ thống. Điều này thể hiện qua việc, SCIC tiến tới hoàn thành những nhiệm vụ phức tạp và quan trọng hơn qua từng năm. Ví dụ, hiện đã tiếp nhận vốn của những tập đoàn lớn như Vinatex, xử lý tái cơ cấu các dự án lớn của Tổng công ty Thép Việt Nam, Dự án Tisco, Tổng công ty Licogi...
SCIC cũng chứng minh là một mô hình hoạt động với công cụ nhà nước sử dụng để quản lý vốn doanh nghiệp có tính chất kinh doanh rất phù hợp trong điều kiện kinh doanh hiện nay. Ngoài ra, mô hình hoạt động của SCIC cũng là một thử nghiệm cho việc hoàn thiện chính sách của Việt Nam trong vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn và định giá doanh nghiệp sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới.
Dự thảo Chiến lược phát triển SCIC giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035, định hướng phát triển SCIC tiếp tục thực hiện vai trò đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu và bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn lực để đầu tư vào những ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả hoặc Nhà nước cần tiếp tục nắm giữ; trở thành tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp.