- Yêu cầu tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng đang được thực hiện thế nào?
- Yêu cầu các ngân hàng giám sát chặt cấp tín dụng "sân sau", tín dụng tiềm ẩn rủi ro
- Sụp đổ ngân hàng lớn tại Mỹ: Thống đốc lo tăng trưởng dựa quá nhiều vào tín dụng
- Chống sở hữu chéo: Năm 2023 sẽ thanh tra việc mua bán cổ phần ngân hàng với mục đích thâu tóm
Đến ngày 25/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. (Ảnh: Duy Linh). |
Cần chủ động sớm “chuyển trạng thái” điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang “thích ứng, nới lỏng phù hợp”, tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022.
Đó là nội dung liên quan đến chính sách tiền tệ, nằm trong một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, được Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh tại báo cáo thẩm tra thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2023.
Nội dung này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 9/5, tại phiên họp thứ 23.
Đề nghị báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản
Nhìn lại năm 2022, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, thị trường tiền tệ xuất hiện rủi ro tác động tiêu cực đến an toàn hệ thống. Có ý kiến cho rằng, áp lực tài chính, tiền tệ vẫn chưa được nhận diện đầy đủ, việc điều hành chính sách còn những vấn đề nhất định khi tạo ra căng thẳng về thanh khoản và gây ra cuộc chạy đua tăng lãi suất giữa các ngân hàng thương mại.
Với những tháng đầu năm 2023, cơ quan thẩm tra đánh giá, đến ngày 25/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,75%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn vì lãi suất cao khiến doanh nghiệp không muốn vay và doanh nghiệp gặp khó về đơn hàng đầu ra nên không vay.
Mặt bằng lãi suất cho vay tăng mạnh trong năm 2022 và vẫn còn duy trì ở mức cao trong quý I/2023. Lãi suất cho vay bình quân của 35 ngân hàng thương mại trong nước tính đến cuối tháng 3/2023 khoảng 10,23%, cao hơn 0,56 điểm % so với cuối năm 2022 (tháng12/2022: 9,67%, tháng 12/2021: 8,08%), cơ quan thẩm tra so sánh.
Việc triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, theo cơ quan thẩm tra, còn rất chậm. Điều này cũng có tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ, ảnh hưởng đến việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu có xu hướng tăng, trong khi tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng so với nợ xấu giảm có thể gây ảnh hưởng đến an toàn hệ thống tài chính.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về cơ cấu nợ liên quan đến bất động sản (bao gồm cả doanh nghiệp bất động sản, vay mua nhà, kinh doanh bất động sản...).
Vẫn theo báo cáo, năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tình trạng “sở hữu chéo”, tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau” còn phức tạp. Trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, ngân hàng thương mại lãi cao, trong đó thu nhập thuần từ hoạt động tín dụng tiếp tục tăng so với năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân của ngành ngân hàng là gần 20% - một tỷ suất rất cao, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.
Tuy nhiên, một số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng, với tình hình khó khăn như hiện nay, nếu không được cải thiện thì dự báo số nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ bào mòn đáng kể năng lực tài chính của các ngân hàng thương mại.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 3/2023 là 2,88%, tăng so với mức 2,05% cuối năm 2022. Một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) thấp, sát ngưỡng quy định, sẽ chịu áp lực tăng vốn trong thời gian tới.
Có lộ trình gỡ bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng
Nhấn mạnh một số trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian tới, Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác. Cần chủ động sớm “chuyển trạng thái” điều hành từ thắt chặt, thận trọng sang “thích ứng, nới lỏng phù hợp”, tiếp tục xem xét hạ lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh áp lực lạm phát, tỷ giá không còn quá căng thẳng như thời điểm cuối năm 2022, cơ quan của Quốc hội nêu quan điểm.
Ủy ban thẩm tra cũng lưu ý việc khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, có giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; điều hành tỷ giá phù hợp; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
Triển khai, theo dõi chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước, là lưu ý tiếp theo của cơ quan Quốc hội.
“Sớm hoàn thiện phương thức điều hành lãi suất theo tín hiệu thị trường và thông qua các cuộc họp định kỳ về điều hành lãi suất để thực hiện công bố việc điều chỉnh tăng, giảm hoặc giữ nguyên lãi suất điều hành, nhằm đảm bảo doanh nghiệp và người dân có thể dự báo được xu hướng lãi suất.
Đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội về việc xây dựng tiêu chí và phương pháp xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng nhằm từng bước có lộ trình gỡ bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng”, Ủy ban Kinh tế nêu quan điểm tại báo cáo thẩm tra.