Doanh nghiệp
Sớm gỡ điểm nghẽn trong truyền tải điện
Huyền Thanh - 11/04/2022 15:27
Việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn trong các tuyến đường dây truyền tải điện.
Ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn năng lượng T&T 

Cập nhật tiến độ Dự án Điện khí LNG Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) với tổng mức đầu tư lên tới 55.000 tỷ đồng, ông Nguyễn Thái Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Năng lượng T&T cho biết, tổ hợp nhà đầu tư gồm các đối tác Hàn Quốc (HEC, KOGAS, KOSPO) và nhà đầu tư trong nước là Tập đoàn T&T đang khẩn trương thúc đẩy các công việc tiếp theo trong tiến trình triển khai dự án điện LNG thông thường.

Cụ thể, các nhà đầu tư đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, chuẩn bị hồ sơ vay vốn và trong thời gian sắp tới sẽ chuẩn bị hồ sơ đàm phán các hợp đồng liên quan, như hợp đồng mua bán điện (PPA) và hợp đồng mua bán khí LNG dài hạn.

Các công việc đang triển khai của dự án cho đến thời điểm hiện nay cơ bản thuận lợi khi được sự ủng hộ cao từ Chính phủ, các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Trị.

Đây là dự án rất lớn và gồm nhiều giai đoạn triển khai, với nhiều cấu phần luôn biến động và nhiều rủi ro, như rủi ro ở khâu thượng nguồn (nguồn khí, biến động giá), hạ nguồn (giá bán điện), rủi ro đối tác, rủi ro trong quá trình thi công…, nên sẽ dẫn tới nhiều khó khăn khi triển khai hơn các dự án có quy mô tương tự như nhiệt điện than.

Bên cạnh đó, việc giá khí LNG đang trong giai đoạn tăng giá rất mạnh như hiện nay cũng gây khó khăn trong việc xác định hiệu quả dự án, đàm phán giá điện khi ký kết hợp đồng PPA.

Một khó khăn nữa được ông Hà chỉ ra là việc đàm phán thu xếp vốn vay cho dự án.

“Với sự quyết tâm cao từ tập đoàn T&T, cùng năng lực tài chính và kinh nghiệm kỹ thuật của tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ giải quyết được các vấn đề thách thức đặt ra để triển khai dự án thành công, đảm bảo tiến độ đưa nhà máy vào vận hành năm 2026-2027”, ông Hà tin tưởng.

Tuy nhiên, theo ông Hà, rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề chính sách. “Đây cũng là lý do chính mà hiện tại, Việt Nam chưa có dự án nhà máy điện khí LNG nào được đưa vào hoạt động, mặc dù đã có một số dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và lập kế hoạch, tiến độ thực hiện”, ông Hà nhận định.

Cụ thể, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) quy định bắt buộc áp dụng luật Việt Nam để giải thích hợp đồng và không có quy định cụ thể về bảo lãnh Chính phủ đối với nghĩa vụ thực hiện hợp đồng của các doanh nghiệp. Luật mới cũng không quy định rõ về việc cung cấp các cam kết bảo lãnh của Chính phủ về việc chuyển đổi ngoại tệ. Các dự án nhiệt điện khí LNG thuộc dạng nhà máy điện độc lập (IPP) cũng sẽ phải tuân theo một hợp đồng PPA mẫu được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam. Theo đó, nhà máy điện sẽ phải cạnh tranh trên thị trường bán buôn và chỉ được bao tiêu với sản lượng hạn chế từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). “Điều này đang gây khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc huy động vốn khi các nhà tài trợ luôn đòi hỏi phải có bao tiêu sản phẩm với tỷ lệ cao và thời gian đủ lâu từ phía EVN và các cơ quan Chính phủ để đảm bảo hiệu quả tài trợ vốn”, ông Hà cho hay.

Theo đại diện Tập đoàn T&T, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chưa được thông suốt, liên tục và đang bị đứt gãy, gián đoạn như điện mặt trời đã bị chững lại từ sau ngày 1/1/2021 và gần đây là điện gió sau ngày 1/11/2021. Đây cũng được coi một điểm nghẽn cần khơi thông dòng chảy và cần có một hành lang pháp lý thông suốt, thông thoáng, rõ ràng và liên tục đối với cả LNG lẫn điện gió ngoài khơi. Các cơ chế chính sách áp dụng trong thời gian vừa qua chưa đưa ra được định hướng lâu dài.

Một vấn đề nữa cũng được ông Nguyễn Thái Hà chỉ ra là lưới truyền tải. Trong xu thế phát triển và bối cảnh hiện nay, tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo ngày càng lớn và tiếp tục gia tăng trong tổng công suất nguồn điện ở Việt Nam, nhưng lại tập trung chủ yếu ở một số vùng phụ tải thấp. Hơn nữa, lưới điện truyền tải chưa được phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo cả hiện tại cũng như trong tương lai, nên việc cho phép và thu hút các doanh nghiệp tư nhân làm hạ tầng truyền tải điện được coi là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn trong các tuyến đường dây truyền tải điện.

Do đó, ông Hà kiến nghị, việc sớm ban hành các hành lang pháp lý sẽ giúp xóa bỏ điểm nghẽn này để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống truyền tải điện gắn với phát triển năng lượng bền vững.

Tin liên quan
Tin khác