Thời sự
Sớm ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Lào
Huỳnh Quế Sơn - 02/11/2014 19:25
() Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Lào cần được ký kết sớm, có thể ngay trong năm 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa hai nước, phấn đấu đưa mục tiêu kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 2 tỷ USD trong năm 2015.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Kích hoạt vốn đầu tư sang Lào
Bình Định: Cửa ngõ giao thương với Tây Nguyên và CLV
Bình Định: Địa chỉ mới cho nhà đầu tư
Sắp khởi công Đường ống dẫn dầu từ Việt Nam sang Lào
Lào tìm hiểu kinh nghiệm quản lý vốn FDI của Việt Nam

Đây chính là ý kiến chủ đạo của đại biểu đại diện chính quyền các tỉnh thuộc hai quốc gia và hơn 80 doanh nghiệp Việt Nam, Lào quan tâm đề xuất tại Tọa đàm Hợp tác kinh tế Khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên Việt Nam với các tỉnh Trung, Nam Lào lần 2 diễn ra hôm nay (2/11) tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Buổi tọa đàm do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức đã thu hút gần 300 đại biểu là lãnh đạo của các tỉnh thành phố Nam Trung bộ, Tây Nguyên Việt Nam và Lãnh đạo của các tỉnh thuộc Trung, Nam Lào và cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

   
  Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad chủ trì Tọa đàm  

Tọa đàm do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam Lào Nguyễn Xuân Phúc và Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Somsavat Lengsavad chủ trì.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV kiêm chủ tịch AVIL cho biết, tính đến nay đã có hơn 400 dự án đầu tư từ Việt Nam sang Lào, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. Kim ngạch thương mại giữa hai nước dù đã được Bộ Chính trị Việt Nam và Lào đặt ra là 2 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khác nhau, con số đó chưa đạt được.

Theo ông Hà, với quan hệ hết sức đặc biệt giữa Việt Nam 0 Lào, thì con số kia còn quá khiêm tốn, chứ tương xứng với tiềm năng, quan hệ hai nước.

Thay mặt AVIL, ông Hà kiến nghị hai Chính phủ Việt Nam, Lào cần thống nhất phối hợp với Chính phủ Campuchia để xây dựng thể chế hợp tác kinh tế đặc biệt giữa 3 nước đến năm 2020 và 2030 tạo khung hợp tác toàn diện khu vực Đông Dương.

“Sớm thống nhất ký kết Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào ngay trong năm 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông giữa hai nước, xác định quy chế quản lý chợ biên giới chung Việt Nam - Lào, phối hợp triển khai thỏa thuận về việc tạo điều kiện cho người và hàng hóa qua cửa khẩu”, ông Hà nhấn mạnh.

Chủ tịch AVIL cũng cho rằng, trình độ lao động tại Lào hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, trong khi đó quy định ở Lào chỉ sử dụng tối đa 10% lao động nước ngoài, điều này ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả đầu tư, triển khai các dự án.

“Để đảm đảm chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào, Chính phủ Lào cần nghiên cứu tăng tỷ lệ sử dụng người lao động nước ngoài tại Lào, ít nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Hà đề xuất.

Ông Trần Bắc Hà cũng kiến nghị, Chính phủ hai nước cần tăng cường phối hợp rà soát các dự án đầu tư Việt Nam tại Lào, qua đó để đánh giá và có các giải pháp hỗ trợ, xử lý dứt điểm đối với các dự án khó khăn.

Đại diện AVIL cho rằng, các dự án dọc biên giới Việt Nam - Lào nên giao cho cho doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Lào thực hiện. Đối với các dự án của Việt Nam tại Lào chậm hoặc không triển khai cần thu hồi đề nghị AVIL lựa chọn nhà đầu tư Việt Nam và Lào đủ năng lực thực hiện, không giao cho nhà đầu tư nước thứ 3.

Bên cạnh ý kiến của AVIL, đại diện các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào như ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Phó Chủ tịch AVIL, đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam... đã nêu bật những khó khăn về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến triển khai dự án hoặc xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu.

Sau khi nghe ý kiến của cá doanh nghiệp, Phó Thủ tưởng Lào Somsavat Lengsavad yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào có vướng mắc gì thì trực tiếp gửi công văn cho ông, và có thể gửi ngay trong tuần này để ông họp các bộ ngành xử lý cũng như tổng hợp báo cáo cuộc họp hai Bộ Chính trị Việt Nam, Lào vào cuối năm nay.

Phó Thủ tướng Somsavat Lengsavad khẳng định, quan hệ Việt Nam và Lào là quan hệ rất đặc biệt mà trên thế giới này không có quan hệ nào đặc biệt như vậy. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương hai nước cùng đồng lòng, cùng chí hướng để xây dựng sự hợp tác sâu rộng, sớm hoàn chỉnh các cơ chế hợp tác để hoàn tất Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Lào trình Bộ Chính trị hai nước.

Kết luận Tọa đàm, Phó Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào. Trong đó, Phó Thủ tướng đánh giá cao quan hệ hợp tác sâu sắc giữa các tỉnh thuộc Trung, Nam Lào với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam.

“Con số 90% các dự án đầu tư Việt Nam sang Lào đều nằm ở khu vực Trung và Nam Lào, và quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng tập trung vào khu vực này đã nói lên quan hệ hợp tác chặc chẽ giữa các địa phương hai nước”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao sự hợp tác mang tính toàn diện giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Champasak trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và đặc biệt là hành động kết nghĩa, hợp tác thanh niêm giữa hai tỉnh, góp phần quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng về truyền thống quan hệ hai quốc gia cho thế hệ trẻ.

“Mô hình hợp tác giữa Bình Định và Champasak cần được nhân rộng, các địa phương miền Trung và Tây Nguyên sẽ lấy mô hình Bình Định làm kiểu mẫu để xây dựng quan hệ hợp tác với các địa phương Lào, theo đúng tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị Việt Nam, Lào trong việc xây dựng quan hệ mở cho các địa phương hai nước cùng biên giới hoặc không cùng biên giới. Mục tiêu là nâng cao tinh thần hữu nghị đặc biệt, đoàn kết giữa nhân dân hai nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Liên quan đến hợp tác kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Lào là vấn đề lớn, được hai Bộ Chính trị Việt Nam, Lào đặc biệt quan tâm và luôn nhắc nhở sớm hoàn thiện các thể chế hợp tác để thông qua.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào phải giữ đúng lời hứa, giữ đúng cam kết với Chính phủ Lào trong việc triển khai dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng. Nghiêm cấm những dự án tác động đến môi trường, phá rừng. Đặc biệt, nhà đầu tư nào có biểu hiện bán dự án thì xử lý nghiêm.

“Các nhà đầu tư hay lấy Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Việt – Lào, Vietel... làm tấm gương sáng về mô hình đầu tư ra nước ngoài. Đây là những nhà đầu tư có quan hệ mẫu mực, lấy chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu, theo đúng phương châm cha ông ta thường nói “giúp bạn là giúp mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác