Một khúc cua trên Quốc lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Ảnh: M.C |
UBND tỉnh Sơn La vừa có tờ trình số 66/Tr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Cụ thể, UBND tỉnh Sơn La đề nghị người đứng đầu Chính phủ cho chủ trương dừng thực hiện Dự án theo hình thức đối tác công tư PPP và cho triển khai thực hiện Dự án theo Luật Đầu tư công.
Trong trường hợp Thủ tướng đồng ý triển khai Dự án theo Luật Đầu tư công, UBND tỉnh Sơn La đề xuất phân chia công trình thành 3 đoạn.
Cụ thể, đoạn đầu tuyến từ Km 1 đến Km19 (huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình) sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công, do tỉnh Hoà Bình làm chủ đầu tư.
Đoạn cuối tuyến thuộc địa phận tỉnh Sơn La (từ Km53 đến cuối tuyến) sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công, do tỉnh Sơn La làm chủ đầu tư.
Đoạn giữa tuyến từ Km19 - Km53 (đoạn giữa tuyến, thuộc địa phận tỉnh Hoà Bình), bao gồm 2 cầu vượt lòng hố Sông Đà, công trình hầm, nền, mặt đường và toàn bộ các công trình trên tuyến, UBND tỉnh Sơn La đề nghị vận động ODA và định hướng giao tỉnh Hoà Bình đề xuất theo hướng sử dụng vốn ODA cấp phát với mức tối đa.
Vào tháng 12/2020, UBND tỉnh Sơn La có văn bản xin Thủ tướng cho điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Theo đó, Dự án sẽ có tổng mức đầu tư mới là 21.577 tỷ đồng gồm vốn do nhà đầu tư huy động là 11.627 tỷ đồng; phần vốn nhà nước tham gia là 9.950 tỷ đồng theo hình thức vốn góp bằng nguồn vốn đầu tư công để thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và tái định cư, xây dựng công trình tạm, một phần tuyến chính.
Tỉnh này cũng đề xuất phân chia Dự án thành 3 đoạn, trong đó đoạn tuyến I từ Km1 đến Km19 (đầu tuyến) thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án. Đoạn tuyến II từ Km19 đến Km53 (giữa tuyến) đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP bằng nguồn vốn của Nhà đầu tư và vốn ngân sách nhà nước (trong đó chủ yếu là nguồn vốn Nhà đầu tư). Đoạn tuyến III từ Km53 đến cuối tuyến đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Sơn La thừa nhận, việc phân kỳ đầu tư theo dự kiến sẽ khó khăn trong thu hút Nhà đầu tư tham gia thực hiện đoạn tuyến II, do đây là đoạn tuyến có nhiều công trình hầm, cầu, suất đầu tư lớn. Trường hợp tách đoạn, phân kỳ đầu tư không thể thực hiện thu phí kín do đoạn đầu tuyến và đoạn cuối tuyến đã được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, việc thu phí kín gặp khó khăn sẽ không đảm bảo tính khả thi phương án tài chính, thời gian thu hồi vốn kéo dài.
Đối với các tiểu dự án giải phóng mặt bằng trên địa phương hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình, UBND tỉnh Sơn La cho biết là theo điểm c Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định “trường hợp kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương của từng địa phương, UBND các tỉnh thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc phân chia thành các dự án thành phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm để từng địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công”.
“Quy định này gây khó khăn trong việc giao tỉnh Sơn La là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện và thực hiện thu phí kín toàn Dự án”, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết.
Trước đó, vào tháng 5/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 579/QĐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu , tổng mức đầu tư Dự án là 22.294 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư huy động 17.294 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia là giá trị quỹ đất trên địa bàn hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình 5.000 tỷ đồng (tỉnh Sơn La 4.100 tỷ đồng, tỉnh Hòa Bình 900 tỷ đồng).