Chuyển động thị trường
“Sóng” từ Vành đai 3 TP.HCM
Việt Dũng - 12/05/2023 10:14
Thị trường bất động sản phía Nam thêm phần nhộn nhịp khi việc bồi thường, giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 3 được TP.HCM triển khai rốt ráo.



Hiệu ứng tích cực

Những ngày qua, thông tin UBND TP.HCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường mặt bằng thực hiện Dự án đường Vành đai 3; người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi và TP. Thủ Đức làm thủ tục nhận tiền bồi thường… đã tạo nên những hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản các khu vực mà tuyến đường này đi qua.

Tại TP. Thủ Đức (đường Vành đai 3 đi qua với chiều dài 14,75 km), Dự án Vinhomes Grand Park thuộc phường Long Thạnh Mỹ đã giao dịch nhộn nhịp trở lại. Có lợi thế nằm cạnh tuyến đường Vành đai 3, các căn hộ tại dự án này có mức giá trung bình trên 70 triệu đồng/m2.

Cùng khu vực, thuộc phường Long Trường, Dự án MT Eastmark City của Rio Land cũng đang triển khai bán hàng giai đoạn tiếp theo, đón đầu sức nóng của tuyến Vành đai 3. Đây là dự án căn hộ có quy mô 15 ha, nằm tiếp giáp đường Vành đai 3, gồm hơn 1.500 căn hộ, giá giao dịch khoảng 42 triệu đồng/m2.

Tại phường Long Bình, Dự án The Stellars của Sơn Kim Land cũng đang trở lại. Hiện chủ đầu tư mở bán 3 tòa tháp của Dự án với mức giá từ 68 triệu đồng/m2. Theo đó, căn hộ diện tích nhỏ nhất 50 m2 đang được bán ra với mức giá 3,2 - 3,4 tỷ đồng/căn.

Không chỉ thị trường bất động sản TP.HCM, tuyến đường Vành đai 3 còn tác động mạnh đến thị trường nhà đất các tỉnh lân cận là Bình Dương, Đồng Nai. Có không ít dự án bất động sản “dựa hơi” vào tiềm năng của dự án hạ tầng này để hút khách. Loạt dự án Lavita Thuận An của Hưng Thịnh Group, The Emerald Golf View của chủ đầu tư Lê Phong, Happy One Central của Vạn Xuân Group, Tokyu Garden City của Becamex Tokyu… đang được chào bán với mức giá 42 - 48 triệu đồng/m2, tăng mạnh so với tầm giá trung bình của phân khúc căn hộ tại Bình Dương giai đoạn 2019 - 2020.

Nói về đường Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, đây không chỉ là trục giao thông chiến lược, mà còn là vành đai phát triển đô thị, công nghiệp và kết nối vùng. Trong vòng 5 - 15 năm tới, cùng với việc khép kín đường Vành đai 2, xúc tiến làm đường Vành đai 4 và các công trình lớn khác như sân bay Long Thành cùng các đô thị vệ tinh, đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tạo xung lực phát triển rất lớn cho cả vùng kinh tế.

Hệ sinh thái đi kèm

Không thể phủ nhận những tác động của hạ tầng giao thông đối với thị trường bất động sản. Dự án quy mô lớn, có vai trò quan trọng như đường Vành đai 3 càng tạo tác động lan rộng. Nhiều người kỳ vọng, những giao dịch bất động sản sẽ đến từ các hộ dân được đền bù giải tỏa - những người cần chốn an cư, ổn định cuộc sống. Bên cạnh dòng sản phẩm căn hộ, đất nền tại các khu vực dự án đi qua có thể tạo “sóng” trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giá trị bất động sản gia tăng, còn phải dựa trên các yếu tố tiện ích thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như chợ, bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính… Nếu chỉ có hạ tầng giao thông, mà không có các dịch vụ dân sinh đi kèm, thì vẫn khó để gia tăng giá trị sản phẩm.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, yếu tố đầu tiên mà chủ đầu tư dự án phải làm là chọn đúng địa điểm. Tiếp theo, phải dựa trên động lực phát triển của địa phương, tức là phải hướng tới đối tượng mua nhà ở thực hoặc đầu tư cho thuê dài hạn. Dự án phải thu hút được người dân địa phương hoặc người lao động trên địa bàn về ở thì mới thành công trong việc lấp đầy.

“Để làm được điều này, việc phát triển dự án phải đi cùng với chiến lược phát triển khác của địa phương như xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm giáo dục, trung tâm hành chính, khu vui chơi giải trí. Đây là yếu tố quan trọng để tạo việc làm, thu hút người lao động và cư dân, thúc đẩy hệ sinh thái đi kèm phát triển”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản đã có những điểm sáng tích cực, song nhà đầu tư nên xác định tâm thế đầu tư dài hạn để mang lại hiệu quả cao. Dự báo trong giai đoạn tới, nguồn cung bất động sản tiếp tục nhỏ giọt, sức cầu nghiêng về các dự án giá vừa tầm.

Trong năm 2023, TP.HCM sẽ chỉ có khoảng 9.000 căn hộ mới được chào bán từ 20 dự án. Trong đó, phân khúc cao cấp vẫn tiếp tục chiếm phần lớn, với 75% tổng nguồn cung. Phân khúc hạng sang và trung cấp cùng chiếm khoảng 12%. Đa số nguồn cung này đều đến từ các giai đoạn mở bán tiếp theo của những dự án trước đây. Khu Đông vẫn là hướng phát triển chính của Thành phố với hơn 48% tổng nguồn cung.

Tin liên quan
Tin khác