Starbucks đánh dấu tròn 7 năm vào thị trường Việt Nam với việc làm mới hình ảnh của mình cùng phương pháp pha cà phê và phục vụ cà phê truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, Starbucks – thương hiệu cà phê nổi tiếng nhất thế giới muốn mang phong cách cà phê phin Việt Nam phổ biến ở các nước khác.
Chiếc cốc của Starbucks có hình dạng như một ly cà phê phin của Việt Nam với chất liệu nhôm và nhựa. Bên cạnh đó là hướng dẫn cách pha cà phê chuẩn xác bên ngay tại bao bì đựng cốc.
Với logo quen thuộc của thương hiệu và logo trên thân cốc, Starbucks vẫn giữ được bản sắc của thương hiệu cùng với việc kết nối Starbucks tới những khách hàng yêu thích cà phê nói chung và những khách hàng ưa chuộng cà phê Việt Nam truyền thống nói riêng.
Bằng cách này, Starbucks mong muốn giữ kết nối với thương hiệu quen thuộc bằng cách liên kết văn hóa cà phê truyền thống Việt Nam với hình thức bao bì mới.
Uống cà phê Starbucks theo phong cách truyền thống Việt Nam cho thấy hãng rất quan tâm tới thị trường này. |
Tuy nhiên, vì sao Starbucks phải đợi đến 7 năm để đem văn hoá cà phê phin của Việt Nam vào chuỗi cửa hàng? Đây có thể là kế hoạch thâm nhập thị trường của hãng khi muốn cho người tiêu dùng Việt Nam thưởng thức các sản phẩm bản sắc của hãng, sau đó mới tìm cách tung ra những sản phẩm mang tính văn hoá địa phương.
Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam lý giải, hãng luôn ưu tiên sản phẩm nào kinh doanh thuận lợi và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Song đến năm 2018, Starbucks mới tìm được sản phẩm cà phê phin với ý tưởng thiết kế, chất liệu phù hợp là nhôm kết hợp vẻ hiện đại của văn hoá cà phê vốn có của Starbucks và truyền thống của cà phê Việt Nam.
Sau 7 năm vào Việt Nam, Starbucks chỉ có mặt tại 4 tỉnh thành phố lớn, với 63 cửa hàng ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng, trong đó bao gồm một cửa hàng sẽ được khai trương vào ngày 9/1/2020 tại Hà Nội.
Bà Patricia Marques hy vọng trong năm nay sẽ mở thêm một số cửa hàng, nghiên cứu thêm địa điểm tại các thành phố mới. Song việc chọn lựa một địa điểm mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo được chiến lược và mô hình kinh doanh của hãng.
Trong đó, một địa điểm mới phải đảm bảo tiềm năng gia tăng số lượng cửa hàng để có thể cân đối được chi phí, đặc biệt là chi phí kho vận. Hiện tất cả sản phẩm phải được đưa về một mối (thường là ở TP. HCM) trước hai tháng rồi mới làm các thủ tục, phân bổ ra các thị trường để đảm bảo tất cả cửa hàng trên toàn quốc đều có sản phẩm trong cùng một ngày.
Đặc biệt, Starbucks kinh doanh theo chuỗi nên tất cả sản phẩm phải giống nhau. Do đó, Starbucks Việt Nam không thu mua cà phê trực tiếp từ thị trường. Cà phê nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới đều do công ty mẹ tại Mỹ thu mua thông qua các công ty thương mại, sau đó được mang về Mỹ, rang xay chế biến rồi mới phân phối đi khắp các công ty trên thế giới nhằm đảm bảo hương vị ở tất cả các cửa hàng đều đạt một chuẩn chung.