Với start-up nói chung, thu hút nhân tài luôn là bài toán nan giải bởi sự giới hạn về nguồn lực tài chính cũng như thương hiệu chưa có chỗ đứng trên thị trường. Riêng với start-up trong mảng công nghệ, sự khan hiếm nguồn nhân lực và văn hóa chuộng tính ổn định của nhân tài công nghệ khiến quá trình tuyển dụng ngày càng khó khăn hơn.
Hiểu được điều đó, gần đây, hầu hết doanh nghiệp công nghệ đã điều chỉnh chiến lược tuyển dụng bằng cách tập trung vào chiêu mộ và đào tạo những người mới để phát triển thành nhân tài. Theo ”Báo cáo hướng dẫn lương 2024” do Glints phát hành, thay vì tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm, các công ty công nghệ đang ưu tiên tuyển dụng sinh viên xuất sắc từ các trường đào tạo công nghệ hoặc những ứng viên sở hữu các chứng chỉ đào tạo ngắn hạn.
“Ưu điểm của xu hướng này là giúp nhà tuyển dụng giảm áp lực tìm kiếm nguồn nhân lực, tránh cạnh tranh quá gay gắt, đồng thời tiết kiệm chi phí và thời gian tuyển dụng. Vì vậy, với một số vị trí lập trình viên trong ngành, nhiều start-up hoặc doanh nghiệp nhỏ đã chuyển sang tuyển dụng ‘tân binh’, sau đó đào tạo để phục vụ các dự án”, báo cáo cho biết.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức tuyển dụng này là nhân sự thường rời đi sau khi đủ kinh nghiệm trong công việc. Theo báo cáo “Thị trường IT Việt Nam 2023” của TopDev, trong vài năm qua, ngành công nghệ đã chứng kiến mức lương trung bình tăng đáng kể, không chỉ ở cấp bậc quản lý, mà còn ở các vị trí thấp hơn như lập trình viên. Trong số 45.000 nhân sự công nghệ thông tin tham gia khảo sát của TopDev, có 23,5% cho biết, lý do hàng đầu khi tìm công việc mới là để có đãi ngộ cao hơn, trong khi 20,9% đổi việc để tìm kiếm sự ổn định và tăng trưởng của công ty.
Do đó, để giữ chân đội ngũ tân binh trong điều kiện tài chính ban đầu còn eo hẹp và cạnh tranh tuyển dụng trong giới công nghệ ngày càng tăng, các chuyên gia gợi ý, nhà sáng lập hoặc chủ doanh nghiệp nên đề ra biện pháp gắn chặt quyền lợi cá nhân của nhân sự với tương lai chung của công ty. Ví dụ, có thể áp dụng quyền chọn mua cổ phiếu giá ưu đãi nếu nhân sự cam kết gắn bó và đóng góp tích cực cho start-up.
Ngoài ra, phần lớn start-up duy trì văn hóa làm việc linh hoạt, gần gũi giữa các thành viên như trong gia đình hoặc nhóm bạn. Cũng vì vậy, quy trình ghi nhận đóng góp và quyền lợi của nhân viên đôi khi chưa được rõ ràng, minh bạch. Để khắc phục điều này, đội ngũ lãnh đạo cần xây dựng văn hóa chuyên nghiệp càng sớm càng tốt, thông qua việc phân rõ trách nhiệm của nhân sự, cũng như có công cụ đo lường chất lượng công việc, đi kèm khen thưởng tương ứng.
Trên nền tảng văn hóa chuyên nghiệp, lãnh đạo start-up cần chủ động chia sẻ với nhân viên về dấu mốc và cả những khó khăn mà start-up đang đối mặt, để họ được tiếp lửa và vững tin vào tương lai của công ty.
Nhà sáng lập Jason Baptiste, CEO start-up Onswipe chia sẻ: “Khi trò chuyện với nhân sự mới, tôi không thuyết phục họ bằng mức tiền thưởng hấp dẫn. Tôi ‘bán’ những mục tiêu và sứ mệnh của công ty cho họ và nhân tài sẽ hiểu, họ là một phần quan trọng của công ty”.