Nguồn vốn mới này sẽ hỗ trợ Genetica thực hiện kế hoạch mở rộng trong khu vực Đông Nam Á bên cạnh văn phòng hiện có tại Singapore và Việt Nam (Hà Nội và TP.HCM).
Các nhà sáng lập Genetica cho biết, một trong những lý do trọng yếu giúp công ty nhanh chóng thuyết phục được các nhà đầu tư, chính là việc nắm trong tay công nghệ lõi chuyên biệt về giải mã gien dành riêng cho người châu Á.
Nguồn vốn đầu tư của Genetica® đến từ các nhà đầu tư nổi tiếng, tên tuổi và có kinh nghiệm trong việc săn và nuôi dưỡng các “kỳ lân” hàng đầu của thế giới như 3 nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalist) là Dave Strohm, Craig Sherman và Guy Miasnik.
Ông Dave Strohm là một nhà đầu tư mạo hiểm, tập trung chủ yếu vào các công ty công nghệ thông tin.
Dave gia nhập Greylock Partners vào năm 1980, bắt đầu hành trình "săn kỳ lân" như Facebook, Airbnb, Gofundme, Instagram, Linkedin, Dropbox,…
Còn Craig Sherman là đối tác và giám đốc điều hành tại Meritech Capital – một công ty đầu tư mạo hiểm của Facebook, Roblox, 10XGenomics, salesforce, DUO,…
Craig tập trung chủ yếu vào các phương tiện truyền thông kỹ thuật số và dịch vụ tiêu dùng và đã dẫn dắt các khoản đầu tư của công ty vào Evernote, Zulily, Lynda.com và Ariosa Diagnostics.
Trước Meritech, Craig là Giám đốc điều hành của Gaia Interactive.
Trong khi đó, ông Guy Miasnik là một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ và là người đồng sáng lập, giám đốc điều hành của AtHoc- công ty được BlackBerry mua lại vào năm 2015 với giá 300 triệu USD.
Genetica cũng đang đàm phán với một số VC để huy động thêm vốn, phát triển mở rộng ở châu Á nhưng tìm cách “hợp tác với những người thực sự hiểu công nghệ và theo đuổi mục tiêu tác động tích cực đến xã hội trong lâu dài”.
Genetica được thành lập từ năm 2019, có trụ sở chính tại San Francisco, được biết đến là một startup do người Việt sáng lập và vận hành, sở hữu công nghệ giải mã gien độc quyền, chuyên sâu dành riêng cho người châu Á.
Từ đó, hỗ trợ việc lập kế hoạch nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em, cá nhân hóa kế hoạch dinh dưỡng, tập luyện cũng như phòng ngừa những căn bệnh tiềm ẩn, trong đó có 18 bệnh ung thư phổ biến ở Việt Nam và châu Á.
Tuấn Cao (thứ hai từ phải sang) và Bùi Duyên là hai nhà sáng lập Genetica (Ảnh: Genetica). |
Phân tích gien là việc dùng DNA (Deoxyribo Nucleic Axit) có trong các tế bào của cơ thể con người để xác định các yếu tố di truyền như tiềm năng, thể chất, dinh dưỡng, nguy cơ bệnh.
Tuy nhiên, công nghệ Genetica không cần phải lấy máu để phân tích gien. Thay vào đó, Genetica sử dụng một bộ dụng cụ chuyên dụng (Saliva Collection Kit) để thu thập và bảo quản mẫu nước bọt.
Cụ thể, mẫu nước bọt được bảo quản sau đó sẽ gửi sang Mỹ và Genetica sẽ tiến hành phân tích, giải mã gien ở phòng thí nghiệm Center of Advanced Technologies của trường Đại học California, San Francisco.
Genetica kết hợp khoa học giữa dữ liệu người châu Á và trí thông minh nhân tạo. Công nghệ này đã được chứng nhận bởi IIumina – tổ chức giải mã gien số 1 thế giới và độ chính xác công nghệ được khẳng định "tối thiểu là 99%".
Hệ thống của Genetica hiện có thể xử lý tối đa 5.760 mẫu mỗi tuần.
Theo báo cáo của BBC Research năm 2020 (Direct-to-consumer Genetic Testing – Global Market and Technology), tình trạng thiếu vắng công nghệ giải mã gien chuyên biệt cho chủng người châu Á dẫn đến hạn chế dữ liệu gien của người Châu Á.
Dự báo cho rằng, ngay cả đến 5 năm sau, dữ liệu gien châu Á chỉ chiếm tầm 14% trong dữ liệu chung (còn lại 80% là gien người da trắng).
Để phát triển công nghệ lõi thành công đòi hỏi sự kết hợp của khoa học máy học cùng công nghệ sinh học phân tử và công tác R&D hàng chục năm. Chính vì vậy, việc Genetica có thể phát triển hoàn thiện công nghệ độc quyền đã khiến công ty nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của các nhà đầu tư công nghệ.
Công ty này dự kiến tăng trưởng gấp 10 lần lượng người dùng vào năm 2021, trở thành một trong những công ty tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á trong lĩnh vực xét nghiệm gien dành cho thị trường tiêu dùng cuối.
Ông Cao Anh Tuấn dẫn dắt Genetica với vai trò CTO, giữ trọng trách xây dựng công nghệ máy học độc quyền cho công ty. Anh Tuấn tốt nghiệp tiến sĩ ngành khoa học máy tính của trường Đại học Cornell (Hoa Kỳ), sau đó trở thành kỹ sư cấp cao của Google tại Mỹ.
Trong quá trình làm việc tại Google, ông từng là thành viên quan trọng của nhóm xây dựng cơ sở dữ liệu phân tán toàn cầu đầu tiên và lớn nhất. Hệ thống này có nhiệm vụ bảo đảm hệ thống dữ liệu của Google ở châu Âu, châu Mỹ hay châu Á xử lý dữ liệu tốt nhất trong thời gian thực.
Một nhà sáng lập khác của Genetica là bà Bùi Thanh Duyên, giữ vị trí giám đốc khoa học (CSO) và cũng là vợ của Cao Anh Tuấn.
Thanh Duyên tốt nghiệp Tiến Sĩ ngành di truyền học và sinh học phân tử tại Đại học Cornell, từng có thời gian nghiên cứu tại trường Y, khoa Miễn dịch học thuộc Đại học California, San Francisco.
Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo của Genetica còn có bà Phạm Vũ Thanh Giang, hiện giữ vai trò CXO – chịu trách nhiệm kinh doanh và vận hành của công ty. Trước khi gia nhập Genetica, Giang đã có hơn 10 năm phát triển và dẫn dắt nhiều doanh nghiệp về ngành hàng tiêu dùng trong vai trò đồng Tổng giám đốc Mekong Capital.