Cơ hội nhanh chóng “vượt mặt” đối thủ
Kinh doanh theo chuỗi không mới. Nhiều tên tuổi đã phát triển mô hình này và nhân rộng ra khắp thế giới như KFC, McDonalds, Starbucks...
Có 2 cách để phát triển kinh doanh theo chuỗi, là tự phát triển và nhượng quyền (franchise), trong đó, franchise chiếm ưu thế vì đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng.
Tại Việt Nam, kinh doanh theo chuỗi cũng đang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều thương hiệu đã thực hiện tốt hình thức kinh doanh này như Phở 24, NinoMaxx, Foci, cháo Cây Thị… Được tiếp sức từ nguồn vốn của các quỹ đầu tư, các thương hiệu này nhanh chóng mở rộng quy mô cũng như sức ảnh hưởng của thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường.
Kinh doanh chuỗi là mô hình chuẩn về thương hiệu đồng nhất, có lợi thế là doanh nghiệp sẽ có được sự nhận diện thương hiệu tốt từ người tiêu dùng, đẩy nhanh quá trình “bành trướng” và có cơ hội “vượt mặt” đối thủ.
Khi kinh doanh chuỗi, doanh nghiệp sẽ mua được hàng giá sỉ để có giá bán cạnh tranh, chi phí marketing giảm xuống so với việc marketing cho nhiều cửa hàng riêng lẻ.
Nhưng không phải thương hiệu nào cũng thành công khi chọn mở chuỗi. Điển hình như chuỗi Masan Mart phải lặng lẽ rời thị trường, hay Phở 24 dù đã franchise rất thành công, nhưng cũng gặp khó khăn và phải đóng cửa một số nhà hàng.
Không vội, dù nhà đầu tư sẵn sàng rót vốn
Với kinh nghiệm khởi nghiệp cả trong ngành bán lẻ và thực phẩm, đồ uống, ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Dh Foods cho rằng, start-up không nên phát triển ngay mô hình chuỗi trong giai đoạn đầu.
Lý do là, để phát triển chi nhánh, start-up cần vốn để đầu tư, đồng thời cần vốn dự trữ, vì việc kinh doanh ở giai đoạn đầu sẽ gặp khó khăn. Ngay cả khi gọi được vốn đầu tư để có thể thoải mái “đốt tiền”, thì khi đó, nhà sáng lập cũng chưa có đủ kinh nghiệm quản lý nhân sự và quản lý dòng tiền lớn, dẫn đến khả năng cao là nhanh chóng tiêu hết số tiền được đầu tư rồi đóng cửa kinh doanh.
Nếu nhà sáng lập có kinh nghiệm quản lý nhân sự và dòng tiền lớn, thì cũng không nên nhân rộng mô hình ngay, khi chưa có có đội ngũ quản lý đủ kinh nghiệm để vận hành mô hình.
“Để đào tạo được đội ngũ quản lý tốt cũng mất vài năm. Ngay cả có tiền, thuê nhân sự bên ngoài, thì khả năng hòa hợp với văn hóa của start-up cũng thấp, nên xác suất thất bại cũng rất cao”, ông Dũng chia sẻ.
Nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào start-up có kinh nghiệm quản lý và đội ngũ lãnh đạo sẵn sàng chuyển giao, thì nhà sáng lập sẽ trở thành nhân viên của nhà đầu tư đó. Còn nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm trong lĩnh vực của start-up, mà lại ép “nhân bản” nhanh mô hình kinh doanh, thì thất bại sẽ lên tới 99,99%. Thực tế này đang xảy ra tại các chuỗi cà phê, phở, bún bò Huế… trên thị trường.
Theo ông Dũng, các start-up hãy làm thật tốt mô hình kinh doanh của mình, từ từ phát triển, đào tạo đội ngũ nhân sự đủ năng lực, tích lũy vốn, rồi mới nghĩ tới việc nhân rộng mô hình kinh doanh.
“Khởi nghiệp là quá trình dài mà bạn tìm được con đường đi của riêng mình, tìm được niềm vui trong công việc và đủ tiền trang trải cuộc sống. Nếu bạn kinh doanh tốt, tiền sẽ đến với bạn, đừng vội, đừng mạo hiểm quá mức”, ông Dũng đưa ra lời khuyên.