Doanh nghiệp
Start-up Việt trên đường băng chạy đà
Hồng Phúc - 05/01/2022 14:49
Bất chấp Covid-19, vốn đầu tư vào start-up tại Việt Nam vẫn đạt giá trị kỷ lục, hơn 1,3 tỷ USD. Nhưng để đánh giá mức độ trưởng thành của một hệ sinh thái, không thể chỉ nhìn vào vốn.
Thương vụ trị giá 250 triệu USD tại VNPay đưa Việt Nam vào Top 3 gọi vốn vào fintech trong năm 2021

Dòng vốn ào ạt đổ vào start-up

Khoảng 1,3 tỷ USD, tương đương hơn 29.680 tỷ đồng, là số tiền cam kết giải ngân từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào start-up tại Việt Nam trong năm 2021. Con số này đã “xô đổ” mọi kỷ lục từng được ghi nhận từ khi hệ sinh thái khởi nghiệp manh nha phát triển.

Trước năm 2018, mỗi năm chỉ có vài chục triệu USD đầu tư vào các dự án. Và 2018 là năm bản lề của hệ sinh thái, khi nhiều nhà đầu tư đã quan tâm và giá trị đầu tư đã lên tới gần 450 triệu USD, với khoảng 60 thương vụ.

Đến năm 2019, tổng giá trị đầu tư tăng gần gấp đôi (xấp xỉ 900 triệu USD), cùng những tín hiệu lạc quan, như hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước lần đầu tham gia thị trường.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc Do Ventures cho biết, là thị trường mới nổi, nên khi có đại dịch vào năm 2020, nhiều nhà đầu không thể đến trực tiếp, khiến số tiền đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam giảm gần một nửa so với năm trước đó.

Nếu xét ở khía cạnh huy động vốn, năm 2021 trở thành “mùa gặt” với các quỹ đầu tư khi sàng lọc được thêm nhiều start-up có năng lực để đặt niềm tin. Các thương vụ lớn xuất hiện không chỉ khuấy động hệ sinh thái trở nên sôi động hơn. VNLife, công ty sở hữu “kỳ lân” VNPAY hoàn tất gọi vốn 250 triệu USD; Tiki huy động 258 triệu USD; hay gần đây nhất, MoMo thành “kỳ lân” sau khi Mizuho dẫn đầu vòng gọi vốn 200 triệu USD… đã trở thành niềm cảm hứng lớn cho toàn thị trường.

“Nguồn vốn không ngừng đổ vào hệ sinh thái đã khích lệ tinh thần start-up”, ông Nguyễn Minh Phúc, quản lý cấp cao Công ty cổ phần Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA) chia sẻ.

Sau cuộc trao đổi với hàng loạt quỹ đầu tư ngoại gần đây, ông Phúc cảm nhận được tất cả sự chú ý đang hướng về Việt Nam - một quốc gia có hệ sinh thái đang trưởng thành với thị trường tăng trưởng nhanh dựa trên nền tảng duy trì được sự ổn định cả về kinh tế lẫn chính trị.

Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy cho biết, sau hơn 20 năm chuyển mình, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với sự cộng hưởng của cả 3 thế hệ nhà sáng lập.

Ở thế hệ đầu tiên là sự ra đời của các start-up trong giai đoạn 2000 - 2006 như VNG, Vatgia, NextTech (trước đây là Peacesoft)… Thế hệ thứ hai trong giai đoạn 2007 - 2014, với sự ra đời của Tiki, Topica, Nhaccuatui… Thế hệ thứ ba mang nhiều nét đặc trưng nhất, với sự ra đời của Elsa, Holistics, Ecomobi…

Bà Lê Hoàng Uyên Vy đánh giá, thế hệ đầu tiên và thế hệ thứ hai đã đạt được những cột mốc nhất định và hiện trở thành nhà đầu tư cho thế hệ thứ ba.

Trong khi đó, thế hệ thứ ba đang trải qua nhiều áp lực và cạnh tranh hơn bao giờ hết. Nhưng họ lại có lợi thế khi tận dụng được những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy từ 2 thế hệ trước.

“Với khả năng tiếp cận và học hỏi rộng mở từ môi trường quốc tế, thế hệ thứ ba đang có những bước tạo đà rất thuận lợi để đưa Việt Nam trở thành trung tâm start-up công nghệ mới của khu vực và từng bước ghi lại dấu ấn trên toàn cầu”, bà Lê Hoàng Uyên Vy kỳ vọng.

Gỡ rào cản mang tên “thiếu kiên định”

Nếu bền bỉ tới cùng, start-up sẽ thành công một cách bền vững và trở thành “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới. Đây là một câu trong “tâm thư” do bà Hoàng Thị Kim Dung, chuyên viên tư vấn đầu tư tại Genesia Ventures Việt Nam gửi đến nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp đang nhận vốn cùng sự hỗ trợ từ Genesia Ventures vào đầu tháng 12/2021.

Là một trong những nhà đầu tư hoạt động sôi nổi nhất trong hệ sinh thái, bà Dung trăn trở về sự tương quan giữa tỷ lệ start-up không thành công với tỷ lệ người không đủ bền bỉ để đạt được mục tiêu đặt ra cho chính mình đều là rất cao (bằng hoặc hơn 90%).

Những nghiên cứu cụ thể đã minh chứng luận điểm nêu trên. Theo một nghiên cứu của Trường đại học Scranton, có đến 92% người không bao giờ đạt được những mục tiêu họ đã đề ra lúc đầu năm mới. Trong vòng vài tuần hoặc vài tháng, mọi người bắt đầu từ bỏ quyết tâm của mình khi họ gặp những va chạm trên đường, khiến họ chệch hướng.

Còn trong quyển sách “Why Startups Fail: A New Roadmap for Entrepreneurial Success”, GS. Tom Eisenmann đến từ Harvard Business School mường tượng về một hình ảnh rất thú vị để mô tả về một start-up. Đó là “con ngựa” mô phỏng cho các cơ hội mà các công ty khởi nghiệp đang nhắm đến và “người cưỡi con ngựa” đó là người sáng lập.

Theo đó, ngày càng nhiều người bị thu hút bởi những cám dỗ xung quanh, bởi ở đó mọi thứ có vẻ vui hơn, nhẹ nhàng mà hào nhoáng hơn và có thể có nhiều tiền hơn. Như việc chọn “con ngựa” khác nhìn có vẻ khỏe hơn để cưỡi, với hy vọng mình sẽ về đích nhanh hơn người khác, mà không biết rằng, thực sự việc cưỡi con ngựa đó có đi nhanh được hay không phần lớn do người cưỡi ngựa.

Các cuộc khủng hoảng không chỉ để lại tàn tích, mà còn đóng vai trò như một sự thanh lọc đối với các tổ chức không có sự chuẩn bị nền tảng, cùng khả năng thích ứng nhanh chóng đối với những sự thay đổi của thị trường.

Covid-19 được coi là một phép thử về tính kiên cường, khả năng thích ứng và cả sự phù hợp của mọi doanh nghiệp với nhiều mô hình kinh doanh.

Thực tế cho thấy, vẫn có rất nhiều tổ chức đang nắm bắt rất tốt các xu hướng hiện tại và tận dụng các cơ hội mà cuộc  khủng hoảng này tạo ra để chuyển mình và tăng lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Nhưng việc nắm bắt các xu hướng công nghệ mới cần được đặt vào mục tiêu phục vụ sự phát triển của mô hình kinh doanh cốt lõi.

Trong năm 2021, liên tiếp các thương vụ huy động vốn cho start-up được công bố bao gồm cả những dự án được chuyển đổi sang xu hướng áp dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Ngược lại với phía ủng hộ, đã có những lo ngại nhất định về rủi ro chệch hướng trong kinh doanh của các start-up khi sa đà vào các công nghệ mới nổi, nếu không thực sự am hiểu.

“Một số start-up nhìn thấy cơ hội mới như thị trường blockchain đang “hot”, nên các công ty game gặp khó vì dịch bệnh đã chuyển thành công ty game blockchain và gọi vốn ầm ầm. Nhưng rõ ràng, start-up nên tính toán đường dài, chứ không thể chỉ xem đây là kênh gọi vốn dễ cần tận dụng, rồi sau đó không thể tạo ra sản phẩm cụ thể, tối ưu nguồn vốn của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín của chính start-up”, bà Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ.

Ý kiến – Nhận định

Năm 2022, start-up có thể thu hút hơn 2 tỷ USD”

- “Ông Trần Anh Tùng, Giám đốc điều hành Quỹ VIC Partners

Năm 2022, khi Việt Nam mở lại các đường bay quốc tế, chúng ta sẽ thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư mới tham gia và có thể vượt qua con số 2 tỷ USD. Tại VIC Partners, chúng tôi đánh giá, hiện là thời điểm tốt để đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Những công ty vượt qua được “bài test” Covid-19 để sinh tồn và thậm chí tăng trưởng vượt bậc chính là những ứng viên hàng đầu để giúp các quỹ đầu tư gặt hái thành công trong tương lai.

Nên dựa vào khả năng bám sát thứ mình giỏi nhất”

- Ông Nguyễn Minh Phúc, quản lý cấp cao CTCP Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (VIISA)

Điều quan trọng cần hiểu rõ về hoạt động, sản phẩm kinh doanh cốt lõi của start-up là gì, bởi trong bối cảnh nhiều biến động, một trong những nền tảng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là dựa vào khả năng bám sát thứ mình giỏi nhất. Còn việc ứng dụng công nghệ blockchain thì cần hiểu rất rõ về nó, nếu không sẽ lợi bất cập hại khi chỉ xem đây là xu hướng và cố gắng theo đuổi.

Công nghệ blockchain được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng”

- Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Trong Top 200 công ty blockchain nổi bật trên thế giới đã có một số công ty của Việt Nam như Axie Infinity. Như vậy, start-up Việt đang đứng ngang hàng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác. Đây cũng là công nghệ được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg, ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Tin liên quan
Tin khác