Trần Anh Đạt - Đại diện startup Doanh nghiệp xã hội RW |
Chào Anh Đạt, là đại diện của RW và dự án “Giải cứu rác chết” anh có thể định nghĩa rõ hơn thế nào là “rác chết” và từ đâu anh có được định nghĩa này?
Cách gọi “rác chết” cũng là do… thuận miệng. Ban đầu các bạn trong dự án gọi vui với nhau: Rác tái chế được là rác có thể sống lại và rác không tái chế được là rác đã chết.
Phần lớn người Việt nghĩ loại rác ve chai thu mua là rác tái chế, còn lại là rác không tái chế được. Nhưng sự thật ve chai chỉ gom được 10% rác thải sinh hoạt. Trong 90% còn lại có một 1 lượng cực kì lớn rác có thể tái chế. Chúng tôi gọi đó là “rác chết” và mục tiêu của chúng tôi là hồi sinh “rác chết” đó lại.
Cơ duyên nào đã dẫn lối anh đến với hành trình “Giải cứu rác chết”?
Tôi là người yêu du lịch và yêu Việt Nam. Khi thấy đất nước phát triển, lượng rác ngày càng gia tăng, tôi muốn làm một cái gì đó cho cộng đồng. Việt Nam là một nước xả rác ra biển rất nhiều, cơ bản mình vẫn có giải pháp cho chuyện đó vậy tại sao mình không làm?
Vậy giải pháp RW đưa ra cụ thể là gì?
Chúng tôi liên kết với các chuỗi F&B lớn, cung cấp các giải pháp thiết kế thùng rác tạo ra những thùng rác có thể phân loại chi tiết từng bộ phận từ ly, nắp ly và ống hút... Khi đó nhân viên và khách hàng sẽ thực hiện phân loại hằng ngày. Chúng tôi sẽ đến thu gom. Khi tập trung một lượng đủ lớn, chúng tôi sẽ chuyển đến nơi tái chế. Đó là mô hình “Giải cứu rác chết” cụ thể mà RW đang thực hiện.
Giải pháp RW đang đưa ra là định nghĩa “rác chết” là những loại nào đang phổ biến. Thứ 2 là xác định nguồn phát thải. Quan trọng nhất là nguồn phát thải đó phải “đóng”. “Đóng” ở đây nghĩa là dễ tác động. Rác tại các địa điểm như quán cà phê, trường học, cao ốc văn phòng, chung cư là các nguồn đóng. Chúng tôi bắt đầu từ nguồn đóng trước vì làm dự án cộng đồng cần độ phủ rất lớn và rất khó để xác định nguồn phát thải tập trung. Thực hiện tại các nguồn đóng trước, đến thời điểm nào đó, khi dự án đủ độ lan tỏa, chúng tôi sẽ mở rộng hơn đến cộng đồng.
Với giải pháp này, RW đã mang đến những tác động tích cực cho xã hội?
Sau 2 tháng, chúng tôi đã thu hơn 300 nghìn vỏ hộp sữa, tương đương khối lượng 3 tấn. RW đã làm việc với hơn 70 trường học ở thành phố Hồ Chí Minh và 34 điểm cộng đồng. Chúng tôi bắt đầu với chiến dịch thu gom tận nguồn vỏ hộp sữa giấy. Sau khi uống sữa xong, các bé sẽ dùng sticker để dán đầu cắm ống hút lại. Việc này giúp hộp sữa không bị bốc mùi, ngăn sữa thừa đổ ra và hạn chế côn trùng đến. Thu gom tại nguồn để vỏ hộp không bị trộn lẫn với những loại rác sinh hoạt khác, như thế vỏ hộp sẽ được sạch, có khả năng tái chế tốt hơn và không tốn nước để làm sạch, giúp lưu trữ tại trường học hơn 1 tháng.
Được biết RW là 1 trong 5 startup sẽ tham gia tranh tài tại chung kết Giải thưởng Doanh Nhân Cộng Đồng Blue Venture Award. Anh có thể chia sẻ về lý do anh đã tham gia giải thưởng này?
Tôi biết đến giải thưởng này một cách tình cờ và quyết định tham gia với hy vọng dự án sẽ đến được với cộng đồng. Thứ nhất là để nhân rộng mô hình, thứ 2 là cũng mong cộng đồng biết đến để cùng hỗ trợ. Dự án của chúng tối ban đầu chỉ là một nhóm nhỏ và mới chỉ thành lập được 2 tháng nên tôi rất vui khi lọt vào top 5 chung cuộc. Thành công này là nhờ có sự phối hợp giữa nỗ lực của các bạn trong đội ngũ và sự hướng dẫn của thành viên hội đồng thẩm định, đúng với tinh thần “success is a blend”.
Các startup khi tham gia vào Blue Venture Award đều mang một sứ mệnh là kinh doanh phụng sự cộng đồng. Vậy đâu là sứ mệnh cụ thể của RW trong việc đóng góp cho cộng đồng?
Rác không phải là vấn đề, vấn đề là cách chúng ta đối xử với nó. Chúng ta không thể ngừng xả rác nhưng chúng ta có ta có thể thay đổi cách đối xử của chúng ta. Sứ mệnh của RW là tạo ra giá trị mới cho “rác chết” và hy vọng mọi người đối xử với rác khác đi.
Mục tiêu của anh khi tham gia Blue Venture Award là gì?
Mục tiêu của tôi rất cụ thể, đó là giành giải thưởng.
Trước khi có sự tham gia của những nguồn lực lớn hơn thì chúng tôi phải tự vận hành dự án. Việc này đòi hỏi một chi phí rất lớn. Thẳng thắn ra chúng tôi muốn đạt giải thưởng và dùng nguồn này để đầu tư xây dựng nền tảng, từ đó kêu gọi nhiều người tham gia hơn.
Mặt khác, chúng tôi cũng muốn chia sẻ chiến dịch của RW đến cộng đồng thế giới, những nơi có thể áp dụng tương tự biện pháp của chúng tôi. Chiến thắng giải thưởng này có thể đưa chúng tôi trở thành đại diện Việt Nam tham dự The Venture – Giải thưởng khởi nghiệp cộng đồng toàn cầu và thực hiện điều đó. Việt Nam đang “mang tiếng” là một nước xả rác nhiều, bản thân tôi cảm thấy rất buồn. Tôi muốn mọi người biết rằng chúng ta vẫn có giải pháp để giải quyết vấn đề này, chúng ta vẫn có thể làm và chia sẻ kinh nghiệm, không phải riêng Việt Nam mà là tất cả bạn bè trên thế giới.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!.
Blue Venture Award là cuộc thi do Công ty Pernod Ricard Việt Nam phối hợp cùng Công ty TV Hub tổ chức, thuộc khuôn khổ giải thưởng Doanh nhân cộng đồng toàn cầu The Venture, nhằm tìm kiếm và kết nối các tổ chức kinh doanh khởi nghiệp có ảnh hưởng mạnh mẽ lên đời sống xã hội và đề cao tinh thần phối hợp hoàn hảo của một đội ngũ để tạo nên thành công “Success is a blend”. Trong đó, người thắng cuộc sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng thi quốc tế “The Venture” diễn ra vào tháng 5/2019 để có cơ hội giành tổng giải thưởng 1 triệu USD.
Thêm thông tin chi tiết tại: https://www.facebook.com/BlueVentureAward/