Đầu tư Phát triển bền vững
Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nhìn từ hai bức tranh tương phản
Nhiệt Băng - 30/08/2022 11:57
Thật là thú vị và khó hình dung rằng, một hành động rất nhỏ trong phòng khách sạn lại “đánh” vào ý thức người dùng điện một cách hiệu quả đến thế.
Tấm bảng song ngữ nhỏ nhắn "Vui lòng tiết kiệm điện và nước để bảo vệ môi trường" dán bên trong phòng khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang góp phần "đánh" vào ý thức của du khách khi lưu trú. Ảnh: Nhiệt Băng

Người viết bài này đã nhanh tay “hạ” nhiều công tắc điện khi vào phòng Khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang (số 18, đường Trần Hưng Đạo, TP. Nha Trang) trong lần công tác vừa qua ở tỉnh Khánh Hòa.

Hành động tức thì đó diễn ra sau khi đập vào mắt là tấm bảng song ngữ nhỏ nhắn “Vui lòng tiết kiệm điện và nước để bảo vệ môi trường” dán ngay tại vị trí không thể phù hợp hơn - phía trên vòi nước.

Thật lòng mà nói, nếu không có tấm bảng này, có lẽ không chỉ tôi, mà không ít khách lưu trú ở đây, sẽ vô tư dùng điện, nước như… một đứa trẻ.

Đó là một thói quen tệ, mang nặng tính “bản ngã” của đại đa số du khách khi lưu trú ở một resort, khách sạn nào đó trong thời đại hiện nay.

Có lẽ không chỉ tôi, mà nhiều người ắt hẳn không khỏi ngạc nhiên, khi tấm bảng rất nhỏ này (chu vi chỉ vài chục cm), lại gây ấn tượng mạnh (tác dụng mạnh) và đánh vào ý thức một cách hữu hiệu đến thế.

Kết quả là, trong thời gian lưu trú 2 ngày 1 đêm tại khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang, tôi đã sử dụng các thiết bị điện trong phòng ở rất dè chừng, thậm chí không “quên” xài cả đèn ngủ và ti vi.

Vì thế, không có lý do gì mà sau khi “check-out”, tôi phải tiếc một lời khen với ông chủ khách sạn này.

“Mục đích chính của những dòng chữ áp tường trên không gì khác là “đánh” vào ý thức của khách du lịch. Chúng tôi muốn khách nội địa, cũng như nước ngoài đều có ý thức cao khi đi du lịch. Như vậy mới mong có được môi trường du lịch văn minh”, ông Võ Quang Hoàng, Giám đốc Khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang chia sẻ.

Theo ông Hoàng, tấm bảng song ngữ “Vui lòng tiết kiệm điện và nước để bảo vệ môi trường” được “ốp” trong phòng khách sạn từ thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát. Dù chưa có thống kê đầy đủ, nhưng theo cảm nhận của ông Hoàng, lượng điện và nước tiêu thụ có thể nhờ đó mà giảm được 20 - 30%.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa, ông Hoàng nhận thấy, hiện nay, tại thành phố biển Nha Trang không có nhiều khách sạn làm được điều này.

“Dù là việc làm rất nhỏ, nhưng đây lại là cách giúp du khách nâng cao ý thức, trách nhiệm cho chính bản thân (không chỉ ở cơ sở lưu trú mà ở một nơi nào đó hay ở nhà) và phần nào giúp giảm gánh nặng chi phí tiêu thụ điện năng, nước sinh hoạt cho doanh nghiệp”, một du khách lưu trú tại khách sạn Khách sạn Ariyana Smart Condotel Nha Trang chia sẻ.

Nếu cơ sở lưu trú, khách sạn nào ở Việt Nam cũng có sáng kiến “tuy nhỏ mà có võ” này, thì lượng tiêu thụ điện năng sẽ được tiết giảm hết sức đáng kể.

Trong khi doanh nghiệp tư nhân cố gắng chắt chiu từng “tia” điện năng, thì ngược lại, một số dự án, công trình công lại tiêu tốn điện năng một cách phi lý, gây lãng phí tiền bạc của nhà nước.

“Tiêu biểu” là Dự án Ký túc xá Bàu Tràm, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. “Người dân sống kề dự án này không hiểu lý do vì sao 8 block nhiều tầng, xây dựng xong đã nhiều năm qua, nhưng không được đưa vào vận hành, lại còn “chăm” điện thâu đêm suốt sáng để “nuôi” công trình”, bà N.T.P (người dân phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) lắc đầu.

Dự án Ký túc xá Bàu Tràm, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng xây dựng xong, không đưa vào khai thác, vận hành mà còn "chăm" điện thâu đêm suốt sáng để "nuôi" công trình. Ảnh: P.V chụp vào lúc 10h39, tối 28/8/2022. 

Theo tìm của của người viết, thời gian qua, ký túc xá này chỉ được trưng dụng vào mục đích duy nhất là cách ly bệnh nhân dịch Covid-19 và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19.

Chúng tôi đã hỏi ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, việc xây dựng công trình lên, rồi bỏ hoang như vậy có lãng phí hay không, thì ông đáp ngay “không lãng phí”.

Khẳng định đó liệu có chủ quan, có “thắng” được thực tế, gắn với những câu hỏi này hay không: “Không lãng phí, vì sao công trình xây xong, để phơi nắng phơi mưa trong suốt mấy năm qua? Không lãng phí, tại sao phải thắp điện “nuôi” công trình bỏ hoang hết thàng này sang tháng khác?”.

Đó là chưa nói, nếu Dự án Ký túc xá Bàu Tràm hiệu quả như mục đích ban đầu đã định là “ký túc xá”, thì vì sao mới đây, Đà Nẵng phải xin Thủ tướng Chính phủ chuyển đổi công năng sang nhà ở phục vụ cho công nhân? Hay vấn đề ở đây là, tiền nhà nước quá dễ xài và “cha chung không ai khóc”?

Làm thế nào để “khóa van” đối với hành vi xài tiền điện của nhà nước như “tiền chùa”? Điều này đặt ra đối với Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang chờ sửa đổi. Đó là, luật này cần phải có chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm khi sử dụng điện, như ý kiến của một số cơ quan, đơn vị trong ngành điện lực trong thời gian qua.

Tin liên quan
Tin khác