Vật liệu - công nghệ
Sử dụng kính tiết kiệm năng lượng có thật sự tiết kiệm?
H.P - 31/03/2021 08:06
Kính tiết kiệm năng lượng không chỉ cung cấp ánh sáng tự nhiên để chiếu sáng, mà còn cắt giảm chi phí năng lượng, cũng như tăng năng suất, hiệu quả làm việc và sức khỏe của người sử dụng

Tiết kiệm năng lượng là cấp thiết

Chiến dịch Giờ Trái đất 2021, toàn cầu kêu gọi mọi người hưởng ứng thông điệp “Lên tiếng vì Thiên nhiên” (Speak up for Nature), tập trung vào hai chủ đề: “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.

Thông điệp này kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tiêu thụ các chế phẩm nhựa dùng một lần.

Công trình Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera

Việc kêu gọi tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cũng là điều dễ hiểu. Bởi thống kê trước đó của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đối với tòa nhà là trụ sở cơ quan hành chính, thiết bị sử dụng nhiều năng lượng là điều hòa không khí chiếm trên 70% tổng năng lượng sử dụng; đèn chiếu sáng chiếm 10%; các thiết bị khác như máy móc văn phòng, thang máy, máy bơm nước chiếm khoảng 20%.

Đối với tòa nhà là trung tâm thương mại, siêu thị, 75% năng lượng được tiêu tốn bởi điều hòa không khí; 10% là thiết bị chiếu sáng, các thiết bị khác chiếm 15%. Đối với khách sạn, các con số này lần lượt là 60%, 25% và 15%...

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu một tòa nhà áp dụng đồng bộ các giải pháp kiến trúc, thiết kế kiến trúc, phần quản trị năng lượng, phần vật liệu xây dựng theo hướng hiệu quả năng lượng (vật liệu xây dựng cách nhiệt) có thể giảm 20-40% điện năng tiêu thụ so với trước đây.

Tuy nhiên, một trong những rào cản khi áp dụng các giải pháp hiệu quả năng lượng thường là bài toán chi phí đầu tư ban đầu. Những chi phí này thường rất cao và khiến người ta phải e ngại. Cần có những người tiên phong, những tòa nhà đầu tiên áp dụng, và mang lại hiệu quả, thì sức hút, sức lan tỏa từ sự thành công ấy là rất lớn. Từ chỗ chỉ có rải rác một số tòa nhà theo hướng tiết kiệm năng lượng, nay là hầu hết các tòa nhà cao tầng.  

Hướng đến yếu tố con người

Việc giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng tại những tòa nhà như khách sạn, siêu thị, cao ốc, hay các công trình dân dụng là việc làm cần thiết. Điều này không chỉ góp phần giảm chi phí sản xuất mà còn xây dựng hình ảnh, dần tiếp cận những chuẩn mực của thế giới, xác nhận sự thay đổi rõ ràng về nhận thức tiết kiệm năng lượng của cộng đồng.

Trong đó, các chuyên gia trong ngành xây dựng đều chung quan điểm rằng, sử dụng kính tiết kiệm năng lượng là lời giải cho bài toán tiết kiệm điện năng cho công trình, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và cũng là lời giải trong hiệu quả đầu tư.

Bởi vì kính tiết kiệm năng lượng có công năng cao, có tính năng phát xạ thấp, hệ số dẫn nhiệt nhỏ, giúp giảm thiểu truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài hệ thống vách kính. Do đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí mà vẫn duy trì hiệu quả làm mát.

Khu đô thị Eco Green Sài Gòn sử dụng kính tiết kiệm năng lượng để tiết kiệm điện năng cho công trình và bảo vệ sức khỏe người sử dụng

Nắm bắt được nhu cầu, từ tháng 7/2016, Công ty kính nổi Viglacera đã đưa dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng bằng công nghệ phủ mềm đi vào hoạt động, với công suất 2,3 triệu m2/năm, sản phẩm đã được điểm định đạt tiêu chuẩn châu Âu EN 1096:2012.

Một chuyên gia Đức đang làm việc tại nhà máy cho biết, những sản phẩm mà nhà thầu Von Ardenne đang phát triển tại dây chuyền kính phủ của Viglacera bao gồm 2 sản phẩm chính là kính Solar Control và kính Low-E.

Về kính Solar Control, đây là dòng sản phẩm phù hợp với thời tiết khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Có tính năng kiểm soát năng lượng mặt trời, ngăn cản lượng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy từ ánh sáng mặt trời đạt khoảng từ 5 – 95%. Với những tia cực tím, khả năng này lên tới gần như tuyệt đối 99%. Giúp tiết kiệm năng lượng làm mát và bảo vệ sức khỏe cho mọi người bên trong tòa nhà. Kính còn có tính năng chống lại tia UV, tia tử ngoại gây hại cho con người.

Trong khi đó, Kính Low-E, chủ yếu là hình thức kính hộp, kính được tráng một lớp kính bạc có tác dụng chống thoát nhiệt từ bên trong ra bên ngoài, cũng như hạn chế nhiệt từ bên ngoài vào bên trong. Kính Low-E góp phần quan trọng trong việc giữ nhiệt và hệ thống sưởi ấm bên trong tòa nhà.

Hiện nay, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, các công trình xây dựng cao tầng, hiện đại đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng và đã khẳng định tính năng ưu việt của nó. Tòa nhà Thăng Long Number 1 của Tổng Công ty Viglacera đã sử dụng sản phẩm nêu trên và đã được Bộ Xây dựng công nhận tòa nhà “kiến trúc xanh” của Thành phố.

Một số công trình trọng điểm trong nước đã sử dụng kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera như: Khu đô thị Eco Green Sài Gòn tại quận 7; Bệnh viện Quân y 175 tại Gò Vấp TP.HCM; Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 tại TP.Phủ Lý, Tỉnh Hà Nam; Đại Học Việt Đức tại Bình Dương; Bệnh viện Đa Khoa Tỉnh Bình Dương…

Là người trực tiếp sử dụng dòng kính tiết kiệm năng lượng, chị Lê Thị Thảo, lãnh đạo một công có văn phòng tại Cao ốc số 63, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM) cho biết, từ ngày chuyển văn phòng về đây thì thấy nhân viên làm việc hăng say hơn, tinh thần sảng khoái hơn, hiệu quả công việc được cải thiện rõ rệt. Không khí trong phòng lúc nào cũng mát mẻ, thoáng đãng. Đặc biệt, tiền điện hàng tháng cũng phải trả ít hơn so với trụ sở văn phòng cũ.

Đại diện Công ty Viglacera chia sẻ, việc giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp các công trình giảm điện năng tiêu thụ mà còn tăng chất lượng sống, tiệm cận dần những tiêu chuẩn thiết kế của thế giới. Đó là lý do vì sao chúng tôi phải đẩy mạnh công tác phát triển kính tiết kiệm năng lượng để bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.

Tin liên quan
Tin khác