Nhiều smartphone Samsung, LG hay Sony hàng nhà mạng Mỹ đang ồ ạt về Việt Nam theo đường xách tay. |
Phần nhiều smartphone kể trên là của các nhà mạng Verizon, T-Mobile hay Sprint, được nhập về Việt Nam theo dạng hàng xách tay với giá rẻ bằng nửa hàng chính hãng.
Anh Phùng Tuấn Anh, một dân chơi sở hữu nhiều dòng smartphone khác nhau cho hay, hầu hết những mẫu Android hàng Mỹ giá rẻ đều khoá mạng, nên muốn dùng được ở Việt Nam, cửa hàng phải mở khoá. Đa phần là mở bằng phần mềm với thiết bị chuyên dụng. Một số máy có thể phải can thiệp sâu vào hệ điều hành thông qua việc "root". Tuy nhiên, không phải người mua nào cũng biết việc này vì khi nhận máy, họ thấy gắn sim vào dùng được luôn là họ mua vì nghĩ không khác gì bản quốc tế.
Vì thế, những smartphone này sẽ vướng vào những lỗi vặt mà người dùng không rõ, thậm chí bị mất đi một số tính năng quan trọng. Ví dụ, với dòng Xperia Z, việc mở khoá bằng phần mềm và root sẽ làm mất mã khoá bảo vệ DRM Key, nên nghe nhạc, chụp hình kém hơn vì bị khoá một số công nghệ của Sony. Còn dòng Galaxy Note hay S của Samsung sẽ mất tính năng bảo mật Knox nếu máy đã bị root.
Bên cạnh đó, sóng cũng là điều quan trọng và nên lưu ý khi chọn mua smartphone hàng Mỹ, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng thông thường. Không phải dùng sim ghép như iPhone, nhưng cũng là hàng phân phối riêng của các nhà mạng Mỹ nên một số model không phù hợp hoàn toàn với mạng tại Việt Nam. Ví dụ, LG G4 sau khi root sẽ không được cập nhật phần mềm mới (Android 6.0) vì nếu update sẽ không kích hoạt được 3G để truy cập Internet. Hay Galaxy Note 5 nếu không chạy lại phần mềm và cài một bản ROM (hệ điều hành) đã được tuỳ chỉnh, sẽ không chuyển đổi được về mạng 2G (EDGE), nên trong khu vực sóng yếu dễ mất sóng và khó liên lạc.
Những chiếc smartphone cao cấp như S6, Note 5 hay G4 về Việt Nam theo đường tiểu ngạch, không có hộp. |
Khác với bản quốc tế, máy Mỹ thường được các nhà mạng thêm bớt ứng dụng, tính năng riêng hay có thể chỉnh sửa lại giao diện mà người dùng không thể tự ý thay đổi được. Việc nhắn tin SMS thông thường cũng có máy bị giới hạn, chuyển thành tin nhắn MMS.
Theo anh Hà Mạnh Tuấn, quản lý một hệ thống điện thoại tại Hà Nội, đó mới chỉ là bề nổi hoặc những rủi ro dễ nhận thấy ban đầu. Anh Tuấn khẳng định, chất lượng những chiếc smartphone hàng Mỹ xách tay đang bán ở Việt Nam không thể bằng hàng mới. Dù xuất xứ từ Mỹ và đúng là hàng được phân phối qua các nhà mạng lớn như Verizon, Sprint hay T-Mobile..., nhưng trước khi về tới Việt Nam, sản phẩm đều "đi" qua các đầu nậu ở Hong Kong, Trung Quốc, vào thành phố từ đường tiểu ngạch ở các cửa khẩu như Móng Cái nên không biết có bị thay thế gì linh kiện hay không.
Thực tế, đa phần các mẫu smartphone hàng Mỹ đang được các cửa hàng xách tay bán trên thị trường đều không phải là hàng nguyên hộp mà chỉ có máy với hình thức không phải mới 100%. Phụ kiện như sạc, tai nghe hay cáp đều là hàng "lô", được nơi bán tự bổ sung. Cũng theo anh Tuấn, loại hàng Mỹ kể trên được phân ra một số loại khác nhau, như hàng loại 1, loại 2 hay loại 3, xếp theo hình thức độ mới bên ngoài cũng như chất lượng. Vì thế, giá bán hay thời gian bảo hành cũng khác nhau.
Nhiều rủi ro và không ít lỗi, nhưng những loại smartphone xách tay kể trên vẫn được rất nhiều người quan tâm. Theo thống kê của một cửa hàng tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong một tháng vừa qua, họ đã tiêu thụ được cả trăm máy Galaxy S6, Galaxy Note 5 hàng Mỹ. Người mua đa phần đều ham giá rẻ, có người chấp nhận nếu dùng một thời gian mà điện thoại hỏng hoặc chập chờn.