Doanh nghiệp
Sự “trỗi dậy” của các hãng hàng không chi phí thấp
- 24/05/2017 15:57
Tháng 3/2017, Vietjet gây tiếng vang lớn trên thị trường chứng khoán sau khi niêm yết lần đầu tiên đạt giá trị thị trường hơn 1,8 tỷ USD, đưa Vietjet trở thành điểm sáng trong công cuộc đổi mới nền kinh tế tại Việt Nam. Wall Street Journal mới đây đã có bài viết về hãng hàng không tư nhân này.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển

Các nhà lãnh đạo Việt Nam trong những năm gần đây đã mở ra cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các cơ quan quản lý đầu tư đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài như Samsung Electronics Co., doanh nghiệp hiện đang sản xuất tại Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 

Vietjet là minh chứng sống động của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam - nhận xét của Wall Street Journal.

Việt Nam cũng đang mở rộng giao thương với các nước thông qua các hiệp định thương mại như FTA với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu hay TPP, cho dù có hay không có Mỹ. "Mọi thứ đang được đẩy nhanh tốc độ. Việc cấp giấy phép và các giấy tờ chúng tôi cần đã nhanh hơn. Nó giống như ở Mỹ", Nguyễn Trọng Nghĩa, một nhà điều hành doanh nghiệp kỹ thuật tại TP.HCM cho biết.

GDP Việt Nam đã tăng 6,21% trong năm 2016, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, quá trình thay đổi đáng lý phải diễn ra nhanh hơn. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm và chào bán với số lượng ít hơn những gì nhà đầu tư mong đợi. Nhưng thời gian chờ đợi này, Vietjet lại tăng trưởng mạnh.

Sự lớn mạnh của Vietjet

Hãng hàng không chi phí thấp Vietjet từng nổi tiếng với màn trình diễn bikini trên máy bay và bị cơ quan quản lý hàng không dân dụng phạt 1.000 USD vì trình diễn không xin phép. Hãng hàng không này còn cho các tiếp viên nhảy flashmob tại sân bay Đài Loan theo điệu nhạc Happy của Pharrell Williams và trình chiếu các video ca nhạc của các nhân viên mặt đất.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, một phụ nữ với giọng nói nhỏ nhẹ, với thành tích học tập xuất sắc đã được Chính phủ gửi đi học ngành tài chính và kinh tế tại Nga. Bà đã ở lại sau khi Liên Xô  cũ tan rã và đã kiếm được triệu USD đầu tiên khi mới 20 tuổi bằng hoạt động thương mại hàng hoá giữa Đông Âu và châu Á.

Bà Thảo đã đầu tư một hãng hàng không theo mô hình hàng không truyền thống cao cấp. "Chúng tôi đã định trở thành một JW Marriott trên bầu trời", bà Thảo chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu tới Việt Nam, bà Thảo bắt đầu nghiên cứu về các hãng hàng không chi phí thấp giống như Southwest Airlines (đặt trụ sở tại Mỹ), Ryanair (Ireland) và AirAsia (Malaysia) trước khi cho ra mắt Vietjet Air năm 2011, với mô hình hàng không chi phí thấp.

“Thật khó bỏ qua tất cả những gì chúng tôi đã làm cho hãng hàng không sang trọng hơn. Giống như chào tạm biệt một đứa con mình phôi thai, nhưng chúng tôi phải làm vậy nếu chúng tôi muốn có lợi nhuận. Đó là một bước ngoặt đối với chúng tôi”, bà Thảo chia sẻ.

Thời gian đầu, Vietjet gặp nhiều trở ngại khi hãng phải chờ tới lượt đón khách của mình. Họ cũng phải chờ các kiểm soát viên không lưu và các dịch vụ bảo trì, một người trong ngành cho biết.

Tuy nhiên, theo các quan chức hàng không dân dụng, hiện nay, họ đối xử công bằng giữa các hãng hàng không nhà nước và tư nhân, đồng thời, hợp tác cùng với Vietjet để mở rộng ngành du lịch hàng không, đổi lại là tăng trưởng ngành du lịch quốc gia.

Các chuyên gia phân tích hàng không tại Trung tâm Hàng không (CAPA) dự báo, Vietjet sẽ trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất của Việt Nam. Quý I/2017, hoạt động quốc tế của Vietjet tăng trưởng và được thúc đẩy nhờ lượng khách du lịch tới Việt Nam tăng. Hành trình cất cánh của Vietjet giờ đây không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước, mà Vietjet đã sải cánh mạnh mẽ ra thị trường quốc tế, những đường bay trước đây là độc quyền của hãng khác. Điều đó giúp tăng doanh thu quý I của hãng thêm hơn 44%.

Vietjet đang có kế hoạch xin Chính phủ tăng trần sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, từ mức 30% hiện nay lên 49% và đây như một phần của kế hoạch dài hạn nhằm niêm yết cổ phiếu Vietjet tại nước ngoài và huy động thêm tiền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Tháng 5/2016, Vietjet cũng đã ký đơn hàng đặt mua 100 máy bay 737 Max 200 trị giá 11 tỷ USD với Boeing, sau đó, đặt hàng 20 máy bay Airbus A321, cho thấy tầm quan trọng của các hãng hàng không chi phí thấp thế hệ mới đối với các nhà sản xuất máy bay.

Hàng không chi phí thấp ngày càng chiếm lợi thế

Câu chuyện thành công của Vietjet không phải chỉ ở riêng Việt Nam. Tại châu Á - Thái Bình Dương, các hãng hàng không chi phí thấp ngày càng chiếm lợi thế, trong khi nhiều hãng hàng không quốc gia danh tiếng trong khu vực như Japan Airlines, Thai Airways, hay Malaysia Airlines…, nhất là các hãng hàng không quốc gia dưới sự bảo trợ của chính phủ, phải vất vả giải bài toán thị trường và chi phí vận hành.

Tại Philippines, Hãng hàng không chi phí thấp Cebu Pacific chiếm 60% thị phần, còn Hãng hàng không quốc gia Philippines Air chỉ nắm 30% thị phần. Hay ở Malaysia, Hãng AirAsia chiếm trên 50% thị phần trong khi hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines gặp rất nhiều khó khăn. Ở Thái Lan, 4 trong 5 cái tên dẫn đầu thị trường nội địa Thái Lan là các hãng hàng không chi phí thấp.

Trong khi đó, tại châu Âu, hãng hàng không quốc gia Italia là Alitalia cũng vừa nộp đơn xin phá sản lần thứ hai. Trước đó, vào năm 2008, hãng này đã nộp đơn xin phá sản một lần và đã được giải cứu nhờ sáp nhập với đối thủ Air One. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Hãng tiếp tục lỗ 3 tỷ USD.

Như vậy, sự “trỗi dậy" của các hãng hàng không tư nhân chi phí thấp như Vietjet là xu hướng tất yếu. Điều này mở ra cơ hội bay cho nhiều tầng lớp dân cư, đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành du lịch, lĩnh vực được coi sẽ đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế và cũng là cầu nối thúc đẩy tăng trưởng vùng.

Tin liên quan
Tin khác