Thông tư 03/2021 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cuối cùng đã được ban hành sau thời gian dài chờ đợi của TCTD và doanh nghiệp |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thông tư mới ban hành sửa đổi điều kiện khoản nợ được cơ cấu lại, bổ sung quy định về trích lập dự phòng rủi ro với mốc thời gian đưa phân loại nhóm nợ và trích lập dự phòng theo quy định thông thường là ngày 01/01/2024.
8 điều kiện để khoản nợ được cơ cấu lại
Theo quy định sửa đổi, TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ khi đáp ứng đủ 8 điều kiện. Trong đó, khoản nợ phải phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021. Bản dự thảo thông tư hồi tháng 1/2021 từng quy định thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ ngắn hơn (23/1/2020-31/3/2021).
Yêu cầu thứ ba là số dư nợ của khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ thuộc một trong các trường hợp hoặc số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 ngày từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/1/2020 và quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020; hoặc số dư nợ của khoản nợ phát sinh từ ngày 23/1/2020 và quá hạn trước ngày 17/5/2021.
Điều kiện thứ tư là được TCTD đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điều kiện này nhấn mạnh vai trò đưa ra đánh giá từ phía ngân hàng, trong khi Thông tư cũ không đề cập đến.
Cùng đó, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và TCTD đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. TCTD không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.
Thứ bảy là thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) cần phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với khách hàng và không vượt quá 12 tháng kể từ ngày TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Về điều kiện thời gian, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Đối với việc miễn, giảm lãi, phí, TCTD quyết định theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh thỏa mãn ba điều kiện đầu khi xem xét cơ cấu lại nợ. Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư cũng thực hiện đến ngày 31/12/2021.
Từ 1/1/2024: Toàn bộ việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro áp dụng theo quy định thông thường
Liên quan đến việc phân loạt nợ, Thông tư 03/2021 quy định số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại sẽ không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.
Đối với số dư nợ sau khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được TCTD tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại thông tư này, TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD.
Đối với số lãi phải thu của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại thông tư, từ ngày được cơ cấu lại, TCTD không hạch toán thu nhập (dự thu) mà theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu; thực hiện hạch toán vào thu nhập khi thu được theo quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với TCTD.
Từ ngày 1/1/2024, TCTD căn cứ quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD để phân loại đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.
Bổ sung thêm quy định về trích lập dự phòng rủi ro, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quy định TCTD thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi. Việc trích lập dự phòng nợ cơ cấu được giãn trong 3 năm.
Từ ngày 1/1/2024, TCTD căn cứ quy định của NHNN về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.
Cách thức giãn trích lập dự phòng được NHNN hướng dẫn. Theo đó, số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là chênh lệch giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng và số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Trong trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, TCTD thực hiện trích bổ sung tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất vào 31/12/2021. Tỷ lệ trích lập này tăng lên tối thiểu 60% tại ngày 31/12/2022 và 100% tại ngày 31/12/2023.
Lộ trình trích lập dự phòng rủi ro là 3 năm bắt đầu từ năm 2021 từng được nêu ra trong dự thảo sửa đổi thông tư ban hành hồi tháng 1/2021 với mục tiêu nhằm tránh gây ra "cú sốc" về lợi nhuận.