Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết . Ảnh: Đ.T |
Làm sao vẹn cả đôi đường
Theo báo cáo một số vấn đề lớn của Dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hoàn thành ngày 10/3, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo) và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này.
Kết quả, có 3 vấn đề lớn đã được thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, song vẫn còn 3 vấn đề lớn khác còn có ý kiến khác nhau, trong đó có quy định về DNNN.
Trước đó, Chính phủ cũng đã gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8, về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Tại đây, Chính phủ giải thích khái niệm DNNN được sửa đổi lại để bao gồm cả doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp mà Nhà nước có cổ phần, phần vốn góp chi phối. Cụ thể, Dự thảo quy định: “DNNN bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết”.
Theo tổng hợp của Ban Soạn thảo, tại Kỳ họp thứ 8 có 2 luồng ý kiến.
Thứ nhất, cần tách riêng 2 loại khái niệm doanh nghiệp của Nhà nước, bao gồm: “DNNN” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và “doanh nghiệp có sở hữu chi phối của Nhà nước” là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thứ hai, đề nghị sử dụng các khái niệm “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ” và “doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết’’.
Chính phủ nhận định, luồng ý kiến thứ nhất cơ bản là phù hợp với cách tiếp cận hiện nay trong hệ thống pháp luật về DNNN, do đó, sẽ không tạo ra xáo trộn, không tác động đến hệ thống pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, có thể bị coi là chưa hoàn toàn phù hợp với Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 12) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, trong đó xác định: “DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn”.
Còn luồng ý kiến thứ hai, về cơ bản, đảm bảo không trái với tinh thần Nghị quyết 12, song lại có thể tạo ra khoảng trống pháp lý trong hệ thống pháp luật, do không còn khái niệm DNNN trong Luật Doanh nghiệp, mà đang được sử dụng ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
“Do đó, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép bảo lưu nội dung trong Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); đồng thời, tiếp tục phối hợp với các ủy ban của Quốc hội tham vấn các đại biểu Quốc hội và thảo luận để lựa chọn phương án phù hợp, để vừa đảm bảo thể chế hóa đúng Nghị quyết 12, vừa hạn chế tác động đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật”, Chính phủ bày tỏ quan điểm.
Lo xáo trộn hoạt động doanh nghiệp
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, việc quy định tỷ lệ như Dự thảo đã quay trở lại quy định trước đây của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Để bảo đảm tính khả thi, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ, quy định trên tác động như thế nào đến hệ thống pháp luật hiện hành và hướng khắc phục nếu có xảy ra chồng chéo, mâu thuẫn, để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật khi luật này có hiệu lực. Việc sửa đổi khái niệm về DNNN cần dự kiến cụ thể các điều, khoản sửa đổi, bổ sung tại các luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan về DNNN và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Vấn đề tiếp theo là cần đánh giá tác động toàn diện về cơ chế chính sách, quản trị doanh nghiệp... của quy định trên đối với hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng cho rằng, cần làm rõ, quy định như Dự thảo nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước trên 50% đến dưới 100% tác động như thế nào đến tâm lý của các cổ đông khác là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài, các nhà đầu tư tiềm năng; ảnh hưởng thế nào đến quá trình cổ phần hóa và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Vấn đề quan trọng nữa, theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, cần đánh giá sự phù hợp giữa quy định của Dự thảo với nội hàm của yếu tố “chi phối” như yêu cầu của Nghị quyết số 12.
Thường trực cơ quan thẩm tra phân tích, theo quy định của pháp luật hiện hành, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước thấp nhất là 75% thì có quyền chi phối trong mọi quyết định về quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, đối tượng mà Nhà nước có sở hữu 75% trở lên được coi là DNNN là phù hợp. Còn đối tượng doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% đến dưới 75% chưa bảo đảm việc Nhà nước chi phối như yêu cầu của Nghị quyết số 12. Bên cạnh đó, nếu quy định đối tượng này là DNNN, thì phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật về DNNN, nên có thể gây những xáo trộn, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về nội dung này, để bảo đảm đánh giá đầy đủ các tác động đối với doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.