Thời sự
Sửa Luật Đất đai: Cần bổ sung thời hạn có hiệu lực với thông báo thu hồi đất
Nguyễn Lê - 14/03/2023 15:14
Từ đầu tháng 2/2023 đến ngày 10/3/2023 Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị và tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức 67 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai.
Một trong các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo trên địa bàn Quảng Trị (Ảnh: UBMTTQ Quảng Trị).

 

Cụ thể, từ ngày 2/2/2023 đến hết ngày 10/3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức 67 Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo; 131 cuộc họp dân/801 Khu dân cư. Tổng số ý kiến tham gia đóng góp là 525 ý kiến.

Bên cạnh góp ý về kỹ thuật lập pháp, các ý kiến cũng góp ý vào nhiều điều khoản cụ thể của Dự thảo.

Chẳng hạn, khoản 1 điều 72 quy định, "Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết...”.

Các ý kiến quan tâm nội dung này cho rằng, nếu kéo dài như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các công việc theo đề án sau khi thu hồi đất. Bởi trong thực tế có rất nhiều địa phương trong cả nước thực hiện công việc này rất ít thời gian nhưng vẫn bảo đảm đúng quy định pháp luật và được sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Góp ý của nhân dân là cần bổ sung vào Điều 72 quy định về hiệu lực của thông báo, bởi trên thực tế hiện nay nhiều dự án đã thông báo thu hồi cả chục năm nhưng không cơ quan nào tiến hành thực hiện thu hồi, khiến người dân luôn sống trong hoang mang rằng một ngày không xa sẽ không còn đất, còn nhà để ở, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống hàng ngày.

Vì thế, đề nghị bổ sung thời hạn có hiệu lực đối với các thông báo thu hồi đất, ví dụ như: Tính từ 2 năm kể từ ngày ra thông báo, nếu không thực hiện thu hồi đất thì đương nhiên thông báo đó hết hiệu lực và nếu muốn thu hồi phải bắt đầu lại toàn bộ quá trình kể từ bước họp bàn phương án với người dân có đất bị thu hồi.

Đối với các dự án có quy mô nhỏ thì có thể áp dụng thời hạn của thông báo là 6 tháng hoặc 1 năm để bảo đảm tiến độ thực hiện, những dự án quy mô lớn hơn, phức tạp trong việc thu hồi đất thì có thể dùng các mức thời hạn từ 2 đến 3 năm.

Về nguyên tắc về bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi, khoản 2 điều 79 quy định, “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn ở nơi ở cũ”.

Nhân dân Quảng trị đề nghị có quy định cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là "tốt hơn nơi ở cũ'', vì cụm từ ''bằng hoặc tốt hơn'' vẫn còn chung chung, cần đưa ra những quy định có tính định lượng về điều kiện sống, bảo đảm thu nhập.

Vẫn ở điều 72, khoản 6 quy định “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật".

Theo các ý kiến góp ý thì cần bổ sung nội dung: Thực hiện công khai diện tích đất, vị trí lô đất, tài sản gắn liền với đất, số tiền được bồi thường và đất tái định cư của tất cả các hộ dân trong khu vực được thu hồi để nhân dân biết.

Liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất, điều 129 quy định: “Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, người dân cho rằng cụm từ “giá đất phổ biến trên thị trường” giải thích chưa rõ ràng. Đề nghị cần làm rõ khái niệm thế nào là giá đất phổ biến trên thị trường? Căn cứ, cơ sở nào để biết giá đất phổ biến trên thị trường có biến động? Cần làm rõ giới hạn phạm vi của khu vực.

Có ý kiến khác cho rằng nguyên tắc phương pháp định giá đất, xác định giá theo thị trường là việc khó khăn trong quản lý, vận động giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án phục vụ lợi ích chung. Đề nghị áp dụng khung giá đất cố định.

Khoản 2 điều này Chính phủ quy định cụ thể về quy chuẩn, phương pháp định giá đất, quy trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất và định giá đất cụ thể, có ý kiến góp ý, quy định này chưa khoa học, vì có những vùng không xảy ra giao dịch đất thì cơ sở nào xác định giá đất vùng đó và việc xác định tần suất thời gian đó như thế nào sẽ dẫn đến sự tuỳ tiện.

Về bảng giá đất tại điều 130, ý kiến nhân dân đề nghị bổ sung một số quy đình: Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm, được công bố công khai và áp dụng từ ngày 1/1 của năm. Việc điều chỉnh bảng giá đất được thực hiện khi có biến động từ 20% trở lên, để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường, tránh trường hợp giá đất không phản ánh đúng giá đất thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước và khiếu kiện khi Nhà nước thu hồi đất.

Theo kế hoạch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 15/3 là hạn cuối lấy ý kiến nhân dân với Dự thảo.

Tin liên quan
Tin khác