- Sửa Luật Các tổ chức tín dụng: Có ngăn được sở hữu chéo, sân sau, sân trước?
- Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử: Bài 1: Khi ông cụ, bà lão cũng thành nhà đầu tư trái phiếu
- Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử: Bài 2: “Con kiến leo cành cụt…”
- Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 3: Bất thường thương vụ “bắt tay” giữa TVSI và SCB
- Trái chủ và cơn uất nghẹn lịch sử - Bài 4: SCB “thần tốc, hăng say” đưa “thượng đế” thành khổ chủ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tổ. (Ảnh: Duy Linh). |
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là luật khó, cần tiếp tục góp ý thêm để sau này các tổ chức tín dụng hoạt động công khai, minh bạch, đàng hoàng, không phải lo cái gì cà, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý khi thảo luận tổ, chiều 5/6.
Một trong những mục đích sửa đổi luật, theo Chính phủ là để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Dự thảo luật đã đưa ra quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn từ 5% xuống 3%, giảm cổ đông lớn chi phối trong hoạt động ngân hàng; các nhóm cổ đông lớn đã ngầm liên kết chi phối hoạt động ngân hàng, thao túng hoạt động ngân hàng.
Bình luận về quy định này, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế) nói đại hội cổ đông của các ngân hàng thương mại, một người sở hữu tỷ lệ nhỏ phần trăm tỷ lệ vốn ngân hàng, nhưng có thể tiếp nhận một loạt uỷ quyền của các cổ đông khác. Tức là, sở hữu 1-2% cổ phần ngân hàng, nhưng có thể tiếp nhận 9-10% tỷ lệ cổ phần uỷ quyền các cổ đông khác. Ông Nam cho rằng, cần có quy định khắc phục tình trạng này triệt để hơn.
Cạnh đó, đại biểu Nam cũng đề cập tới tình trạng sở hữu chéo giữa ngân hàng và công ty tài chính. Ông nêu thực tế có hiện tượng lách luật tỷ lệ sở hữu, hạn mức tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp hay lĩnh vực nào đó thông qua “vốn bật tường”, từ ngân hàng A sang ngân hàng B hoặc công ty tài chính A sang công ty tài chính B.
“Quy định của luật đã đủ để khắc phục tình trạng này để khắc phục tình trạng sở hữu chéo hay chưa?”, ông Nam nêu vấn đề.
Theo đại biểu Nam, thực trạng trên hệ thống ngân hàng hiện nay, sau ngân hàng A là thấy bóng dáng ngân hàng A’ hoặc doanh nghiệp B - phần lớn là doanh nghiệp bất động sản… Việc này tiềm ẩn sự thao túng, sở hữu chéo.
Từ đó, ông Nam kiến nghị biện pháp khi sửa luật, là tăng trách nhiệm cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng.
Đồng tình với đại biểu Nam về phân tích giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, quan trọng không phải là 5 % hay 3 %. Trong một số luật của các nước, anh sở hữu trong các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng là phải có nghĩa vụ báo cáo công khai hết để người ta biết được nhóm người có liên quan và ai là người thực sự chi phối ngân hàng, tổ chức tín dụng đó.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận, chưa nước nào có nhiều ngân hàng thương mại cổ phần như chúng ta. Muốn kiểm soát được thì phải tính đến lộ trình giảm đầu mối ngân hàng thương mại cổ phần.
"Chúng ta nói ngăn ngừa sở hữu chéo và những chuyện phức tạp, nhưng nhiều quá sẽ khó kiểm soát và sẽ có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Cần có lộ trình trong việc giảm số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu thấy không tác dụng lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội", ông Trí nêu quan điểm.
Liên quan đến lành mạnh hệ thống, một số vị đại biểu cho rằng, lần sửa đổi này cần cấm nhân viên ngân hàng tư vấn bán chéo sản phẩm bảo hiểm không đúng, đủ thông tin hoặc lôi kéo, ép buộc khách hàng mua sản phẩm bảo hiểm để được vay vốn, môi giới trái phiếu doanh nghiệp không đúng quy định… đang gây bức xúc dư luận hiện nay.
Theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), hiện còn khoảng 800.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chưa được xử lý, số này được phát hành tại ngân hàng, do nhân viên ngân hàng tư vấn cho các nhà đầu tư. Tư vấn được thực hiện ở ngân hàng nên nhà đầu tư nghĩ là ngân hàng bảo lãnh, vì thế, nhiều nhà đầu tư chuyển từ gửi tiết kiệm sang trái phiếu.
Hiện chưa có báo cáo đầy đủ về số trái phiếu sắp đến hạn trả nợ, nhưng sửa luật lần này cần cân nhắc “luật bất thành văn” về bán trái phiếu tại trụ sở ngân hàng để tranh rủi ro cho nhà đầu tư, đại biểu Khài để nghị.
Ông Khải cũng đồng tình với một số ý kiến khác là cần cấm ngân hàng bán bảo hiểm nhân thọ. Điều 105 Dự thảo cho ngân hàng thương mại được làm đại lý bảo hiểm, nhưng lại chưa có chế tài cho hoạt động này, phải rất rõ trách nhiệm của ngân hàng trong bán bảo hiểm trái phiếu tại trụ sở, ông Khải đề nghị.