Thời sự
Sửa Luật Doanh nghiệp: Căn ke bảo vệ lợi ích cổ đông, nhà đầu tư
Lê Quân - 30/12/2019 08:34
Tinh thần quan trọng trong sửa đổi Luật Doanh nghiệp là đảm bảo chia “miếng bánh” lợi ích giữa cổ đông hay nhà đầu tư và công ty công bằng, thực tế hơn, tránh chuyện lạm dụng quyền cổ đông để gây rối hoạt động công ty.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi khuyến khích cổ đông tiếp cận hoạt động của công ty nhiều hơn. Trong ảnh: Xưởng may veston của Tổng công ty May 10. Ảnh: Đức Thanh

Giằng co lợi ích

Vừa kết thúc phần trình bày Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tại Hội thảo lấy ý kiến cho Dự thảo được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Ban Soạn thảo liên tiếp nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Vinh, Trưởng phòng Pháp chế của một công ty niêm yết, Dự thảo quy định, quy trình, thủ tục liên quan đến các giao dịch, hợp đồng phải thông qua đại hội đồng cổ đông công ty để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và của công ty, tránh việc người quản lý công ty vượt quyền.

“Khi thực hiện giao dịch, chúng tôi phải tuân thủ Luật Tố tụng, Bộ luật Dân sự và đều hiểu rằng, tất cả các giao dịch đều phải thông qua người đại diện pháp luật của công ty. Thực tế, nhiều đối tác trong và ngoài nước không quan tâm đến thủ tục nội bộ của công ty, chỉ cần biết giao dịch có được ký bởi người đại diện theo pháp luật hay không”, ông Vinh nêu.

Theo ông Vinh, điều đáng lo ngại khi người đại diện pháp luật đã ký và đóng dấu vào hợp đồng giao dịch là, nếu gặp xung đột lợi ích giữa các cổ đông mà phải hủy giao dịch, thì sẽ ảnh hưởng xấu tới đối tác và liệu người đại diện theo pháp luật có được bảo vệ không? “Nếu áp dụng quy định trên, thì tình trạng tranh chấp sẽ ngày càng tăng”, ông Vinh nhận định.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi khuyến khích cổ đông tiếp cận hoạt động của công ty nhiều hơn, đặc biệt là các giao dịch, hợp đồng thuộc diện HĐQT quyết định, qua đó nắm được và kiểm soát lợi ích của các bên, chứ không đơn thuần tiếp cận tên và các điều khoản cơ bản của hợp đồng giao dịch.

Theo Điều 121, Luật Doanh nghiệp 2014 đang áp dụng, cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần và liên tục 6 tháng trở lên mới có quyền tiếp cận thông tin sâu của HĐQT, quyền đề cử người vào ban kiểm soát của HĐQT… Thực tế, xuất hiện những bất cập liên quan đến vấn đề này, nhất là quy định sở hữu cổ phần liên tục 6 tháng, như trong thương vụ Sabeco. Một số cổ đông và nhóm cổ đông nhỏ kiến nghị, quy định sở hữu 10% cổ phần trở lên khiến họ không có thông tin hoạt động của công ty và công tác điều hành của các lãnh đạo.

Theo Luật Chứng khoán, cổ đông sở hữu 5% cổ phần trở lên mới được coi là cổ đông lớn và dù là cổ đông lớn, nhưng nắm giữ cổ phần từ 5% đến dưới 10% vẫn không được quyền tiếp cận thông tin sâu. Để đồng bộ với Luật Chứng khoán và đạt mục tiêu bảo vệ cổ đông nhỏ, Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đề xuất tỷ lệ nắm giữ 3% cổ phần sau khi tham vấn các cơ quan, doanh nghiệp.

Hiện chưa có thống kê chi tiết, nhưng với các công ty không niêm yết, thì việc tập trung sở hữu rất lớn, nên việc giảm từ 10% xuống 3% hầu như không ảnh hưởng đến các cổ đông này. Với các công ty niêm yết, tỷ lệ nắm giữ 3% cổ phần tương đương lượng tiền rất lớn. Do vậy, các cổ đông này có lợi ích rất lớn, không đời nào đi phá rối, gây thiệt hại cho công ty và gây hại chính mình.

Tiếp cận chuẩn quốc tế

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi cũng hướng đến tăng một số quyền của cổ đông, bởi hiện nay, có tình trạng công ty có thể hoạt động không tốt, song thù lao của HĐQT và các nhà quản lý quá tốt, nếu trả quá nhiều thù lao cho người quản lý thì ảnh hưởng tới cổ tức, tác động tới lợi ích của cổ đông.

Theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cổ đông hoặc nhóm cổ đông bị ảnh hưởng phải có quyền đóng góp vào tất cả các quyết định ảnh hưởng tới lợi ích của công ty và tự bảo vệ lợi ích của mình. Vì vậy, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định, tổng mức thù lao cho HĐQT phải được đưa ra đại hội đồng cổ đông thông qua, còn các mức trả thù lao cụ thể do HĐQT tự quyết định và điều phối.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi hướng đến trao quyền cho cổ đông quyết định việc thuê kiểm toán độc lập bên ngoài, bởi dù công ty thuê kiểm toán độc lập bên ngoài nhưng rất có thể công ty kiểm toán này có quan hệ thân thiết với lãnh đạo công ty thuê dịch vụ kiểm toán. 

Ông Hiếu cho rằng, quy định về quyết định của đại hội đồng cổ đông hiện rất sơ khai đến mức mọi quyết định đều theo đa số cổ đông, không phân biệt loại quyết định gì. Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này bổ sung quy định, nếu một quyết định nào của đại hội đồng cổ đông mà thay đổi đến quyền, nghĩa vụ của cổ đông, thì một nhóm cổ đông đó phải có tiếng nói đồng ý hay không, chứ không để cho đại hội đồng cổ đông thực hiện không đúng quy định.

Tin liên quan
Tin khác