- TP.HCM đề xuất đầu tư 3 dự án BT 14.600 tỷ đồng trả chậm bằng tiền ngân sách
- Gỡ vướng cho các dự án BT chuyển tiếp
- Sửa Luật Đầu tư PPP sẽ tháo gỡ điểm nghẽn cho dự án BT
- Tại sao Chủ tịch Sun Group đề xuất tiếp tục làm dự án BT
- Nan giải việc hoàn trả chi phí cho nhà đầu tư Dự án BT Nhà thi đấu Phan Đình Phùng
Đề xuất loạt chính sách "cởi trói” cho các dự án PPP
Sáng nay (30/10), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Trong đó, đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Chính phủ đưa ra một loạt đề xuất để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án PPP, nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư.
Dự thảo luật đã xóa bỏ hạn chế về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và không quy định mức vốn tối thiểu đối với các dự án này nhằm khuyến khích thực hiện dự án PPP trong tất cả các lĩnh vực phù hợp với nhu cầu và điều kiện thu hút đầu tư cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương.
Theo Luật PPP hiện hành, chỉ 5 lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP. Vốn tối thiểu để thực hiện dự án trong các lĩnh vực này là 100 tỷ đồng đối với dự án y tế, giáo dục - đào tạo và 200 tỷ đồng đối với các dự án còn lại.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện các quy định trên thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, một số địa phương có điều kiện thực hiện dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, xây dựng chợ..., nhưng không được quy định tại Luật. Một số dự án quy mô nhỏ, có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nhưng lại không đáp ứng được điều kiện vốn tối thiểu để thực hiện theo phương thức PPP (ví dụ vốn 100 tỷ là quá cao đối với dự án y tế, giáo dục-đào tạo). Hơn nữa, hiện nay, một số địa phương (như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) đã được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện dự án PPP trong các lĩnh vực chưa được quy định tại Luật PPP. Luật Thủ đô, Luật Tài nguyên nước, Luật Di sản văn hóa cũng bổ sung lĩnh vực khác.
Theo cơ quan thẩm tra, việc mở rộng lĩnh vực đầu tư PPP và hạ mức quy mô tối thiểu hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô tối thiểu có thể góp phần tạo điều kiện, gia tăng sự tham gia của khu vực tư nhân vào thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi lĩnh vực áp dụng tại một số số địa phương đang trong giai đoạn thí điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, chưa được tổng kết, đánh giá. Do đó, đề nghị bổ sung làm rõ cơ sở thực tiễn đối với đề xuất này.
Bên cạnh xóa bỏ các hạn chế về lĩnh vực đầu tư và quy mô vốn tối thiểu với dự án PPP, dự thảo Luật PPP sửa đổi, bổ sung cũng đề xuất xem xét áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư; dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn; và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao.
Đồng thời, dự thảo luật cũng bổ sung các quy định nhằm đơn giản hóa thủ tục và đẩy mạnh phân quyết quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cho các địa phương. Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra - Ủy ban Kinh tế cơ bản - nhất trí với việc phân cấp cho Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo sự chủ động cho các cơ quan thực hiện và đẩy nhanh tiến độ Dự án.
Áp dụng trở lại hợp đồng BT
Một điểm đáng chú ý của dự thảo Luật PPP sửa đổi, bổ sung lần này là tiếp tục áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Dự thảo luật bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng đối với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, so với đầu tư công, đầu tư theo hợp đồng BT có một số lợi thế, như: tận dụng được nguồn vốn từ khu vực tư nhân; nhà đầu tư chủ động được nguồn vốn nên đẩy nhanh được tiến độ xây dựng công trình, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.
Thời gian qua, trên cơ sở đề xuất của Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Nghệ An, Quốc hội đã cho phép các địa phương này được áp dụng loại Hợp đồng BT; một số địa phương khác tiếp tục kiến nghị được thí điểm áp dụng loại hợp đồng này. Do vậy, việc mở rộng áp dụng là cần thiết để khai thác tối đa lợi thế của loại hợp đồng này.
Tuy vậy, để khắc phục các tồn tại của hợp đồng BT giai đoạn trước, Chính phủ yêu cầu đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư theo hướng: Tổng mức đầu tư công trình BT phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; Tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư (bằng đất, bằng tiền) phải được xác định cụ thể, rõ ràng, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án; Cơ chế quản lý hợp đồng phải bảo đảm chặt chẽ, tránh phát sinh lãi trả chậm dẫn đến tăng tổng mức đầu tư; bảo đảm chất lượng công trình sau khi nhà đầu tư chuyển giao cho nhà nước.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị, để bảo đảm tính khả thi của quy định về loại hợp đồng BT, đề nghị quy định theo hướng giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết đối với cơ chế, trình tự, thủ tục của loại hợp đồng BT theo nguyên tắc đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, hạn chế trong việc thực hiện, phát huy lợi thế của loại hợp đồng BT, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
160 dự án BT đang kẹt: Cần Nghị quyết riêng của Quốc hội để tháo gỡ
Về việc việc xử lý vướng mắc đối với các dự án BOT, BT chuyển tiếp, dự thảo luật cho phép áp dụng Luật PPP trong trường hợp hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành mà chưa có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Đối với các hợp đồng dự án BT có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết, Chính phủ đã đề xuất cơ chế xử lý tại Tờ trình số 513/TTr-CP. Tuy nhiên, đây là nội dung phức tạp, cần được rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Do đó, Chính phủ đã báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án này.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay nguồn lực tồn đọng tại các dự án BT chuyển tiếp rất lớn. Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 160 dự án BT chuyển tiếp, tổng mức đầu tư khoảng 59 nghìn tỷ đồng; quỹ đất đối ứng khoảng 20 nghìn héc ta.
Nếu không có giải pháp xử lý vướng mắc, làm rõ cơ sở pháp lý để các dự án này tiếp tục triển khai thì không thể khơi thông, giải phóng các nguồn lực đang tồn đọng.
Đối với các hợp đồng dự án BT có nội dung chưa phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm ký kết, Chính phủ đã đề xuất cơ chế xử lý tại Tờ trình số 513/TTr-CP. Tuy nhiên, đây là nội dung phức tạp, cần được tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại vướng mắc cụ thể đối với từng dự án BT chuyển tiếp, xác định mức độ vi phạm để có phương án xử lý theo quy định của pháp luật, tránh hợp pháp hóa sai phạm.
Với nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thống kê làm rõ các dự án hiện nay đang gặp vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung hợp đồng để làm rõ sự cần thiết đối với chính sách này.