Việt Nam vẫn là điểm sáng
GIMO, start-up fintech cung cấp giải pháp nhận lương linh hoạt hướng tới mục tiêu an tâm tài chính cho người lao động có thu nhập vừa và thấp tại Việt Nam, vừa chính thức hoàn tất Vòng gọi vốn Series A, với tổng vốn huy động đạt 17,1 triệu USD. Ông Quân Nguyễn, đồng sáng lập, kiêm CEO của GIMO chia sẻ, vòng gọi vốn lần này bao gồm vốn cổ phần và vốn vay, được hoàn thành chỉ sau 5 tháng kể từ khi GIMO công bố nhận 5,1 triệu USD vào tháng 2/2023.
Thương vụ được dẫn dắt bởi Quỹ đầu tư mạo hiểm TNB Aura (Singapore), cùng sự tham gia của các nhà đầu tư hiện tại của GIMO, chủ yếu cũng tới từ Singapore, như Integra Partners, Resolution Ventures, Blauwpark Partners, ThinkZone Ventures và Y Combinator. Bên cạnh đó, vòng gọi vốn còn có sự tham gia của nhà đầu tư mới như Genting Ventures, TKG Taekwang, George Kent và AlteriQ Global.
Theo nguồn tin từ Dealstreetasia, TNB Aura đang trong quá trình huy động vốn cho quỹ thứ ba sắp tới của mình, dự kiến vượt qua quy mô của các quỹ trước đó và Việt Nam sẽ là một trong những thị trường trọng tâm của quỹ này.
Trước khi đầu tư vào GIMO, TNB Aura cũng dẫn đầu vòng gọi vốn trị giá 6 triệu USD cho một dự án công nghệ giáo dục là VUIHOC.
Năm ngoái, TNB Aura Vietnam Scout đã hợp tác với Quỹ ThinkZone Ventures để khởi động chương trình Global Minds Accelerator nhằm đồng đầu tư, cố vấn và hỗ trợ các start-up Việt Nam.
Ông Vicknesh R Pillay, đồng sáng lập TNB Aura cũng khẳng định chiến lược tập trung mở rộng đầu tư vào các start-up Việt Nam của Quỹ.
"Qua kinh nghiệm triển khai các khoản đầu tư mạo hiểm của chúng tôi tại Indonesia và các thị trường tiềm năng khác, TNB Aura sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Chúng tôi dự kiến thực hiện thêm 5-7 khoản đầu tư vào Việt Nam trong 18 tháng sắp tới”, ông Pillay nhấn mạnh.
Trong 3 năm qua, quỹ này đã thực hiện 8 khoản đầu tư vào Việt Nam. Thông thường, Công ty dành 20-40% tổng tài sản của quỹ cho các hoạt động mạo hiểm tại Việt Nam.
Còn nhiều doanh nghiệp tiềm năng
Ông Pillay cũng nhấn mạnh tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam. “Nhiều xu hướng công nghệ vẫn chưa xuất hiện ở Việt Nam. Chúng tôi dự đoán, đây sẽ là một quốc gia hấp dẫn để đầu tư trong vài năm tới”, ông Pillay nói.
- Ông Jussi Salovaara, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ Antler (Singapore)
Trước đó, ông Genping Liu, CEO của Vertex Ventures - một quỹ VC tới từ Singapore cho biết, ông vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn tích cực của hệ sinh thái start-up tại Việt Nam.
Với hơn 3 thập kỷ đầu tư và phát triển các start-up hàng đầu tại Đông Nam Á, Vertex Ventures nhận thức rằng, Việt Nam có tiềm năng dồi dào để phát triển hệ sinh thái start-up công nghệ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jussi Salovaara, Đồng sáng lập và Tổng giám đốc Quỹ Antler (Singapore) cho biết: “Với vai trò là quỹ VC và mong muốn giúp đỡ nhiều start-up tiềm năng, chúng tôi tập trung vào việc xác định và tin tưởng vào vai trò, tầm nhìn và năng lực của nhà sáng lập start-up. Mô hình kinh doanh có thể thay đổi theo thời gian. Chúng tôi tập trung đầu tư và giúp đỡ các start-up ở giai đoạn phát triển ban đầu và chúng tôi cũng không phân biệt ngành”.
Theo số liệu của Preqin, tính đến ngày 31/5, vốn đầu tư VC trên khắp Đông Nam Á chỉ đạt tổng cộng 4 tỷ USD, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2019. Trong đó, Indonesia và Singapore có mức giảm mạnh nhất, với số vốn huy động lần lượt giảm khoảng 70% và 65% trong nửa đầu năm nay.
Ông Hùng Trương, giám đốc cấp cao của SK Vietnam chia sẻ, các start-up Việt Nam đối mặt với khó khăn trong việc huy động vốn bởi suy thoái kinh tế khiến nhiều nhà đầu tư thận trọng hơn. Ngoài ra, việc thu hút và giữ chân người tài rất khó khăn do nguồn lực hạn chế để trả lương cạnh tranh.
Ông Hùng Trương cho biết: “Tình hình khó khăn hiện nay đóng vai trò như một bài kiểm tra, đòi hỏi start-up phải cần tập trung vào tăng trưởng bền vững và khả năng sinh lời”.
Ông Đinh Thế Anh, thành viên điều hành của Bộ phận Tư vấn tài chính và Mua bán doanh nghiệp (M&A) tại KPMG Việt Nam cho rằng, đầu tư từ các quỹ VC hay PE (quỹ đầu tư tư nhân) chậm lại là một xu hướng tạm thời và có thể đảo chiều.
“Việt Nam luôn là một điểm sáng nhờ thành tích tăng trưởng cao và lợi ích chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong ngắn hạn, lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ tăng trưởng với sự phục hồi của nhu cầu toàn cầu vào năm 2024 và tiêu dùng nội địa phục hồi sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng. Khi các quỹ PE, VC bắt đầu thấy rõ hơn về động lực tăng trưởng, chúng ta sẽ thấy dòng vốn này vào nhiều hơn”, ông Thế Anh nói.