Một kết quả khảo sát vừa được Viện Giá trị doanh nghiệp (IBV) của IBM thực hiện và công bố cho biết, thách thức lớn nhất đối với các lãnh đạo cấp cao toàn cầu là quản lý hiệu quả làm việc của nhân viên, khi xu hướng làm việc ở bất cứ đâu sẽ trở thành một trong những điều kiện bình thường mới hậu Covid-19.
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, các CEO đồng ý rằng giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp nằm ở ba yếu tố nhân tài, công nghệ và các mối quan hệ đối tác.
Nghiên cứu hàng năm của IBM cho thấy, phần lớn các CEO được khảo sát chia sẻ việc trao quyền cho lực lượng lao động từ xa là ưu tiên hàng đầu của họ trong năm 2020. Một nửa trong số các CEO của công ty có hiệu suất hoạt động tốt hơn cho biết quản lý lực lượng lao động từ xa làm việc “ở bất cứ đâu” là thách thức lãnh đạo hàng đầu trong vài năm tới.
Ông Mark Foster, Phó chủ tịch cấp cao của Nhóm dịch vụ Tập đoàn IBM cho biết, đại dịch Covid-19 đã thách thức nhiều nhà lãnh đạo tập trung vào những gì thiết yếu, cụ thể là yếu tố con người.
“Kỳ vọng của nhiều nhân viên đối với người sử dụng lao động của họ đã thay đổi đáng kể. Lực lượng lao động 'ở bất cứ đâu' có thể yêu cầu các nhà lãnh đạo cung cấp công nghệ cập nhật, áp dụng các mô hình lãnh đạo đồng cảm hơn, ưu tiên sức khỏe của nhân viên và ủng hộ các nền văn hóa linh hoạt và hòa nhập”, ông Mark Foster bày tỏ.
Tại Việt Nam, gần một nửa các CEO tham gia khảo sát này cho biết, họ đã có kế hoạch ưu tiên sức khỏe của nhân viên ngay cả khi những kế hoạch này ít nhiều ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn. Điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo địa phương đang thực sự tập trung vào nguồn lực nhân viên trong thời điểm đại dịch này.
Bên cạnh đó, 70% CEO được khảo sát tại Việt Nam cho rằng, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp trong năm 2020 vừa qua là việc trao quyền cho lực lượng lao động từ xa, cao hơn tất cả các thách thức khác bao gồm thu hút khách hàng, giảm chi phí và đảm bảo tính liên tục của chuỗi cung ứng.
Vì lẽ đó, IBM khuyến nghị các nhà lãnh đạo nên cân nhắc kỹ lưỡng thách thức lâu dài của môi trường làm việc kết hợp, có thể bao gồm việc cung cấp cho nhân viên môi trường cộng tác với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật số kết nối nền tảng đám, ngăn chặn tình trạng kiệt sức của nhân viên hoặc duy trì văn hóa công ty với trọng tâm là sự đa dạng và hòa nhập.
Kết quả từ cuộc khảo sát cũng cho thấy, các CEO đều đồng thuận công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong vài năm tới, sau sự gián đoạn lớn vào năm 2020.
Nhìn chung, các CEO được khảo sát cho biết Cloud, AI và IoT là những công nghệ hàng đầu được tin tưởng rằng có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. 74% CEO Việt Nam tham gia khảo sát nhận thấy tầm quan trọng của IoT đối với lợi ích kinh doanh của họ. Tương ứng, 70% cho biết Cloud và 42% cho biết AI là những công nghệ hàng đầu để mang lại hiệu quả kinh doanh trong 2 đến 3 năm tới.
Cũng theo nghiên cứu này của IBV, 63% CEO được khảo sát cho biết quan hệ đối tác trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy hiệu quả kinh doanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 vừa qua. Dựa trên kết quả của nghiên cứu này, các CEO đang mở rộng sự tập trung vào quan hệ đối tác và hệ sinh thái để tiếp cận với các ý tưởng và cơ hội mới.
Khảo sát này của IBM nhận được sự tham gia của 3.000 CEO từ 26 ngành công nghiệp và 50 quốc gia trên toàn cầu. Khảo sát được thực hiện với sự hợp tác của Viện Kinh tế Oxford, đánh dấu 20 năm IBM thực hiện khảo sát thường niên với các CEO.