Bán chỉ định tài sản công
Dự án Đầu tư xây dựng Trường phổ thông Hoàng Diệu ASEAN (tại số 39 - Hàn Mặc Tử, phường Trà Bá, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có diện tích 24.744,7 m2, do Công ty cổ phần Phát triển văn hóa - giáo dục cộng đồng ASEAN làm chủ đầu tư.
Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, tài sản trên đất dự án này là tài sản công. Năm 2012, Sở Tài chính Gia Lai có Văn bản số 1147/STC-CSVG ngày 24/8/2012 xác định tài sản công có giá trị 2,9 tỷ đồng. Theo quy định lúc bấy giờ, tài sản này thuộc danh mục thanh lý theo phương thức bán đấu giá.
Dự án Thủy điện An Khê - KaNak |
Tuy nhiên, năm 2013, tại Văn bản số 712/UBND-CNXD ngày 14/3/2013, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất bán chỉ định tài sản này cho Công ty cổ phần Phát triển văn hóa - giáo dục cộng đồng ASEAN.
Sau đó, UBND tỉnh Gia Lai có Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 29/3/2013 cho chủ đầu tư thuê đất không qua đấu giá.
Việc không sắp xếp lại nhà đất công để tổ chức đấu giá, mà bán tài sản trên đất theo hình thức chỉ định, sau đó ban hành quyết định cho thuê đất không qua đấu giá, theo Thanh tra Chính phủ, là vi phạm Nghị định 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 09/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Mặt khác, UBND tỉnh không sắp xếp, xử lý nhà, đất công, không tổ chức thực hiện đấu giá thanh lý tài sản công, do đó không thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất.
Tuy nhiên, dự án trên lại được miễn tiền thuê đất từ tháng 2/2021 đến tháng 3/2063 (Quyết định số 1253/2021 của Cục Thuế tỉnh Gia Lai) với số tiền hơn 18 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đã được miễn từ tháng 2/2021 đến tháng 12/2021 là 399 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc làm trên có nguy cơ gây thất thu ngân sách. Vì vậy, phải thu hồi số tiền đã được miễn (399 triệu đồng) và phải hủy bỏ quyết định miễn tiền thuê đất của Cục Thuế tỉnh Gia Lai.
Không chỉ vậy, Cục Thuế tỉnh Gia Lai còn ban hành Quyết định số 2729/QĐ-CT ngày 17/9/2015 miễn tiền thuê đất thời gian xây dựng cơ bản với số tiền hơn 712 triệu đồng. Việc làm này không đúng với Thông tư 77/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Thanh tra Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp chỉ được miễn giảm 118 triệu đồng, tức là gần 600 triệu phải thu hồi.
Dự án này còn một số vi phạm khác, như UBND tỉnh Gia Lai không cấp giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ; Dự án chậm tiến độ, liên ngành đã thống nhất tham mưu và cả HĐND tỉnh Gia Lai cũng có văn bản yêu cầu thu hồi, nhưng UBND tỉnh không những không xử lý theo quy định, mà còn cho phép điều chỉnh tiến độ đầu tư để Dự án tiếp tục hoàn thiện sau khi Công ty thay đổi cổ đông.
UBND tỉnh Gia Lai còn thống nhất bàn giao nhà đất cho Công ty trước khi có quyết định cho thuê đất 7 tháng là vi phạm trình tự, thủ tục của Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ; không đánh giá đầy đủ các điều kiện thực hiện và năng lực tài chính của nhà đầu tư trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Chủ đầu tư không có khả năng thực hiện, để dự án chậm tiến độ hơn 36 tháng so với giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhưng các sở, ngành liên quan không tham mưu, đề xuất chấm dứt dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Chủ đầu tư không thực hiện dự án (vượt quá 12 tháng), nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường không tham mưu thu hồi đất là không đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai tại quyết định cho thuê đất.
Được biết, hiện nay, trên thửa đất số 39 - Hàn Mặc Tử là Trường quốc tế song ngữ UAK Gia Lai (thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng), chứ không phải Trường phổ thông Hoàng Diệu ASEAN.
Miễn tiền thuê đất dự án thủy điện “trật” luật
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2006, UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 185/QĐ-UBND, ngày 10/8/2006, thu hồi 600 ha đất và tạm giao đất cho Công ty Thủy điện An Khê - KaNak để thực hiện Dự án xây dựng công trình thủy điện An Khê - KaNak.
Kiểm tra thực địa, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhà đất công do Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai quản lý còn sử dụng sai mục đích. Cụ thể, nhà đất số 18, 25, 27, 29, 31 Lê Hồng Phong, TP. Pleiku ) được Tỉnh ủy Gia Lai giao Văn phòng Tỉnh ủy quản lý mục đích “xây dựng", nhưng kê khai, sử dụng, nộp tiền thuê đất với mục đích thương mại, dịch vụ là vi phạm Luật Đất đai 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Nhưng UBND tỉnh này không yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc này vi phạm Nghị định 142/2005/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Đất đai năm 2003.
Công ty Thủy điện An Khê - KaNak thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất, nhưng không nộp hồ sơ, nên không được miễn tiền thuê đất (từ tháng 8/2006 đến tháng 7/2017) theo quy định của Bộ Tài chính. Do đó, việc Cục Thuế Gia Lai ban hành Quyết định số 751/QĐ-CT ngày 24/7/2007 miễn tiền thuê đất cho Công ty Thủy điện An Khê - KaNak từ tháng 8/2006 đến tháng 12/2017 là vi phạm quy định liên quan, có nguy cơ làm thất thu số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Cổ phần hóa, doanh nghiệp bỏ ngoài nhiều đất, chính quyền buông lỏng quản lý
Trong giai đoạn 2016-2020, Gia Lai có 5 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa. Tới nay, Gia Lai không còn doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa.
Khi vào cuộc, Thanh tra Chính phủ phát hiện, trong phương án cổ phần hóa, Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai đã kê khai thiếu hơn 557 m2 đất, vi phạm Luật Đất đai.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và UBND TP. Pleiku và các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý đất đai, không kiểm tra, rà soát trước khi phê duyệt phương án cổ phần hóa cho doanh nghiệp này. Cơ quan chức năng Gia Lai thậm chí còn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi ký hợp đồng thuê đất với doanh nghiệp, vi phạm Luật Đất đai 2013.
Đáng nói nữa, trong 10 lô đất mà Công ty sử dụng, có tới 6 lô là đất có mục đích công cộng, nhưng UBND TP. Pleiku giao Công ty quản lý, chứ không giao cho đúng tổ chức là xã/phường.
Tương tự, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Gia Lai trước khi cổ phần hóa được giao quản lý sử dụng gần 77.000 m2 đất, nhưng khi lên phương án cổ phần hóa chỉ kê khai hơn 40.000 m2 đất, bỏ ra ngoài trên 36.677 m2 đất. Thế nhưng, UBND tỉnh Gia Lai và cơ quan liên quan cũng không kiểm tra, rà soát làm rõ trước khi phê duyệt phương án cổ phần hóa của doanh nghiệp này.
Trước khi cổ phần hóa, UBND tỉnh Gia Lai còn không chỉ đạo và các cơ quan chuyên môn không hướng dẫn Công ty lập hồ sơ thuê đất đối với 12/12 khu đất doanh nghiệp đang quản lý; không ký hợp đồng thuê đất, nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp và vẫn… thu tiền thuê đất đối với 10/12 khu đất.
Cũng vậy, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn quản lý sử dụng thực tế hơn 925 ha đất, lớn hơn 25,2 ha so với diện tích kê khai nộp tiền sử dụng đất. Doanh nghiệp này còn chậm hoàn thành các thủ tục đất đai, không trả tiền thuê đất (phần diện tích hơn 25,2 ha, đất Trạm bơm vườn 17 và diện tích 4.623 m2 tăng thêm), vi phạm các quy định của pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia và các cơ quan quản lý đất đai tại địa phương buông lỏng quản lý, vi phạm Luật Đất đai 2013.
(Còn tiếp)