Sức khỏe doanh nghiệp
Superdong - Kiên Giang và áp lực cạnh tranh trong dài hạn
Khắc Lân - Công Sang - 14/05/2021 14:30
Nếu dịch bệnh là khó khăn ngắn hạn, thì áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ là bài toán khó với Công ty cổ phần Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang trong dài hạn.
Superdong - Kiên Giang đã trải qua năm 2020 đầy khó khăn, với kết quả kinh doanh kém khả quan nhất trong nhiều năm trở lại đây

Lợi nhuận phục hồi, nhưng vẫn ở mức thấp

Kết thúc quý đầu năm 2021, báo cáo tài chính của Superdong - Kiên Giang cho biết, lợi nhuận sau thuế đạt gần 6,76 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng lợi nhuận mà Superdong - Kiên Giang có được trong quý I/2021 chủ yếu dựa trên nền lợi nhuận thấp của quý I/2020 khi dịch bệnh bùng phát, cùng với việc chi phí bán hàng và chi phí quản lý được tiết giảm 12,2% và 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù xét về tỷ lệ, sự tăng trưởng lợi nhuận 23% là khá tích cực, nhưng xét về giá trị, nhà đầu tư chưa thể yên tâm khi con số đạt được vẫn thấp hơn 83,2% so với cùng kỳ năm 2018, hay thấp hơn 76,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, doanh thu quý I/2021 vẫn giảm 10,7% và lợi nhuận gộp giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trước đó, Superdong - Kiên Giang đã trải qua năm 2020 đầy khó khăn, với kết quả kinh doanh kém khả quan nhất trong nhiều năm trở lại đây. Doanh thu thuần của Công ty đã giảm 32,7% so với năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 22,7 tỷ đồng, giảm trên 77,5%.

Theo báo cáo của bà Hà Nguyệt Nhi, Chủ tịch HĐQT Công ty tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa được tổ chức, nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là Covid-19 đã ảnh hưởng trầm trọng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải như Superdong - Kiên Giang.

Bước sang năm 2021, việc Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và hoạt động du lịch trong nước phục hồi được kỳ vọng sẽ giúp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải phục hồi trên nền tảng lợi nhuận thấp của năm 2020. Tuy vậy, biến động phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và nguy cơ bùng phát trong nước vẫn là thách thức lớn với sự phục hồi kết quả kinh doanh của Superdong - Kiên Giang.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Hội đồng Quản trị của Superdong - Kiên Giang đã trình kế hoạch kinh doanh năm nay, với 391,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 28,66% so với năm 2020 và 25,76 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 13,43%. Đây được đánh giá là kế hoạch khá thận trọng trên mức nền thấp của năm 2020.

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn

Nếu dịch bệnh được đánh giá là khó khăn ngắn hạn và triển vọng kiểm soát dịch bệnh, khôi phục các hoạt động du lịch, đi lại trong nước và quốc tế chỉ là vấn đề thời gian, thì câu chuyện áp lực cạnh tranh lại là bài toán khó với Superdong - Kiên Giang trong dài hạn.

Superdong - Kiên Giang là doanh nghiệp dịch vụ vận tải đường thủy bằng tàu cao tốc và phà phục vụ hành khách đi tới các đảo Phú Quốc, Nam Du, Côn Đảo, Phú Quý và Hòn Nghệ. Rạch Giá - Phú Quốc, Hà Tiên - Phú Quốc và Rạch Giá - Nam Du là 3 tuyến đem về doanh thu chính cho Công ty. Tại các tuyến này, áp lực cạnh tranh của Công ty được đánh giá đã gia tăng mạnh mẽ và ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận.

Biến động phức tạp của dịch bệnh trên thế giới và nguy cơ bùng phát trong nước vẫn là thách thức lớn với sự phục hồi kết quả kinh doanh của Superdong - Kiên Giang.

 

Thực tế, trước khi giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, doanh thu và biên lợi nhuận gộp của Superdong - Kiên Giang tại các tuyến Rạch Giá - Phú Quốc và Hà Tiên - Phú Quốc cũng đã có sự sụt giảm. Cụ thể, năm 2019, doanh thu 2 tuyến chính này (vốn đóng góp hơn 50% cơ cấu doanh thu) đều đã giảm sút, lần lượt đạt 141,59 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2018 và 111,63 tỷ đồng, giảm 9,3%.

Sức ép cạnh tranh đã khiến Superdong - Kiên Giang phải giữ nguyên, thậm chí tăng cường giờ khởi hành để giữ thị phần, gây ảnh hưởng tới tỷ lệ lấp đầy và làm tăng giá vốn do nhiên liệu tiêu hao nhiều hơn. Các chi phí khác cũng tăng theo như chi phí nhân công, chi phí hoa hồng, chi phí quảng bá…

Do chịu thêm tác động của dịch bệnh trong năm 2020, doanh thu tuyến Hà Tiên - Phú Quốc đã giảm 45,7% so với năm 2019 và là một trong những tuyến ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất. Trong khi đó, tuyến Rạch Giá - Phú Quốc ghi nhận mức giảm 22,6%, còn tuyến Rạch Giá - Nam Du giảm 18,35% về doanh thu.

Trong bối cảnh các tuyến truyền thống chịu áp lực cạnh tranh, Superdong - Kiên Giang đã liên tục triển khai mở rộng các tuyến vận tải mới như tuyến Phan Thiết - Phú Quý (năm 2018), Phú Quốc - Nam Du và Rạch Giá - Hòn Nghệ trong năm 2019 và nửa cuối năm 2020.

Tuy vậy, nếu năm 2019, giải pháp này đã giúp bù đắp sự sụt giảm doanh thu của các tuyến truyền thống, thì trong năm 2020, doanh thu các tuyến đồng loạt giảm mạnh, trong khi một số chi phí như khấu hao tài sản, chi trả lương cho người lao động… tăng, đã tăng thêm tác động tiêu cực lên lợi nhuận của Công ty.

Bên cạnh áp lực cạnh tranh, một khó khăn khác mà Superdong - Kiên Giang phải đối mặt trong năm 2021 là áp lực tăng giá đầu vào. Cụ thể, sự tăng giá của giá dầu thế giới đã kéo theo xu hướng tăng giá của các sản phẩm xăng, dầu trong nước, trong đó có giá dầu diesel (DO) nguyên liệu chính để vận hành các tàu, phà của Công ty.

Chi phí nhiên liệu thường chiếm khoảng 50% giá vốn của Superdong - Kiên Giang, nên việc giá xăng dầu nói chung và giá dầu DO nói riêng tăng được đánh giá sẽ tác động mạnh đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh sức cầu yếu và tình hình cạnh tranh khiến Công ty gặp khó khăn để chuyển áp lực tăng chi phí đầu vào sang giá bán.

Tin liên quan
Tin khác