Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tờ Thương báo của Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng nếu giả định trên không đúng và dịch bệnh ngày càng trầm trọng, thì nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới có thể đi vào suy thoái.
Tuy nhiên, đánh giá theo xu hướng phát triển hiện nay của dịch bệnh COVID-19, tính đến ngày 25/8/2020, trên toàn thế giới đã có 23,53 triệu ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, trong đó có 810.000 ca tử vong. Số ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Mỹ đã lên tới 5,73 triệu người, trong khi ở Ấn Độ con số này cũng vượt trên 3 triệu người.
Hơn nữa, dịch bệnh COVID-19 không chỉ tiếp tục lây lan ở các nước trên thế giới, mà còn xuất hiện làn sóng thứ hai, làn sóng thứ ba bùng phát dịch COVID-19 ở một số quốc gia và khu vực như như Hàn Quốc và Italy.
Có thể nói, tính đến nay, mức độ lây lan và trầm trọng của dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa xác định được sâu xa đến đâu. Sự thay đổi của dịch bệnh không xác định được, nên tác động và ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước trên thế giới cũng khó xác định rõ, chúng ta chỉ có thể phân tích đơn giản dựa trên thực tế đã xảy ra.
Tăng trưởng kinh tế suy giảm là không thể tránh khỏi
Nhìn vào số liệu kinh tế của quý II năm nay, GDP của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc lần lượt giảm 0,58% và 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi GDP của Trung Quốc giảm 6,8% so với quý I/2020 và trong quý II/2020 lại phục hồi lên mức tăng trưởng 3,2%.
Tình hình dịch bệnh tại các quốc gia và địa phương này được kiểm soát khá tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế đi xuống là không quá lớn.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác tình hình lại không như vậy. Ví dụ, dịch bệnh COVID-19 đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ, cho dù số ca nhiễm được xác nhận hay số ca tử vong đều là một trong những nước đứng đầu thế giới.
Ngoài ra, phạm vi phong tỏa, cách ly của Mỹ rất rộng và thời gian kéo dài, đã khiến cho toàn bộ nền kinh tế Mỹ về cơ bản rơi vào trạng thái bế tắc, GDP trong quý II/2020 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là tỷ lệ chưa từng có.
Do đó, nhiều chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nước Mỹ về cơ bản sẽ không thể xuất hiện sự phục hồi hình chữ V trong nửa cuối năm nay, khả năng cao là nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái và ít nhất là đến cuối năm 2021 mới có thể bước ra khỏi tình trạng khó khăn.
Tương tự, số liệu kinh tế của các nước châu Âu trong quý II/2020 sụt giảm cũng rất rõ rệt. Ví dụ, GDP của Tây Ban Nha, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19, đã giảm 22,1%, GDP của Italy giảm 17,3%, GDP của Pháp giảm 19% và GDP của Anh giảm mạnh 21,7% sau dịch. Chỉ có Đức thể hiện khá tốt, với GDP chỉ giảm 11,7%.
Đánh giá từ những số liệu này, do tác động và ảnh hưởng của dịch COVID-19, nền kinh tế của các nước phát triển trong quý II/2020 về cơ bản đã trải qua một sự suy thoái nghiêm trọng và sự suy thoái này rốt cuộc có phải là tương đối không chắc chắn hay không phụ thuộc hoàn toàn vào mức độ kiểm soát dịch COVID-19 của mỗi quốc gia trong vài tháng tới.
Tác động của đại dịch đối với cư dân các nước
Tuy nhiên, mặc dù số liệu tăng trưởng GDP của các nước phát triển giảm mạnh trong quý II/2020, nhưng nhờ chính phủ có những chính sách cứu trợ mạnh tay nên cuộc sống thực tế của người dân các nước này không bị ảnh hưởng nhiều và tác động lớn như bên ngoài tưởng tượng.
Ví dụ, sức chi tiêu của người dân Mỹ trong thời kỳ dịch bệnh không hề suy yếu, báo cáo tài chính của các nhà bán lẻ lớn của Mỹ (như Home Depot, Lowe's, Target, Walmart, Amazon) trong quý II/2020 đều tốt hơn dự kiến.
Ngoài ra, các hộ gia đình Mỹ hiện có 3.400 tỷ USD tiền gửi, cao hơn mức 2.200 tỷ USD của tháng 6/2019 và mức tăng tiền gửi là hơn 55%; tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ cũng đã tăng từ 8,3% trong tháng 2/2020 lên 33,5% trong tháng 4/2020.
Tình trạng này thậm chí còn rõ ràng hơn ở Canada, nơi hai nhân khẩu của mỗi gia đình thất nghiệp có thể nhận được nhiều nhất là hơn 50.000 CAD. Với hình thức hỗ trợ tiền mặt này, nhiều người cơ bản không muốn đi làm, bởi họ cũng có thể sống sung túc khi nhận được tiền cứu trợ dịch bệnh mà không cần phải lo lắng đến đời sống sinh hoạt của mình.
Do đó, trong hai tháng qua, doanh số bán lẻ của Canada đã tăng trưởng tốt hơn nhiều so với dự kiến. Điều này cũng cho thấy tác động và ảnh hưởng của dịch bệnh đối với cư dân ở các nước phát triển không lớn như bên ngoài tưởng tượng.
Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, tình hình lại không như vậy. Sau khi đại dịch COVID-19 lây lan ở các nước này, nhiều nước đang phát triển đã áp dụng một số chính sách cách ly nhằm tránh tỷ lệ lây nhiễm tỷ lệ tử vong cao do COVID-19.
Các hoạt động thương mại đột nhiên bị dừng lại, khiến nền kinh tế của các nước này bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính có tới hơn 100 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Xuất khẩu giảm mạnh ở các nước đang phát triển đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sinh kế của nhiều doanh nghiệp nhỏ và người dân; các khoản thanh toán công tăng mạnh và tài chính quốc gia thâm hụt trầm trọng.
Tất cả những điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Do đó, trong nửa cuối năm 2020, trong bối cảnh chưa thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngoại trừ một số ít quốc gia đã kiểm soát tốt dịch, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đi xuống, thậm chí khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở một số nước là rất lớn.
Các nước khó giảm nợ
Điều nghiêm trọng hơn là chính phủ các nước đã áp dụng các chính sách cứu trợ và kích thích quy mô lớn nhằm chấn hưng các nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề, khiến mức nợ của các chính phủ (ở các nước phát triển và các nước đang phát triển đều giống nhau) tăng lên mức cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.
Theo số liệu của IMF, tính đến tháng 7/2020, nợ chính phủ ở các nước phát triển chiếm 128% tỷ trọng GDP, gần bằng mức 124% sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1946.
Hiện nay, kinh tế các nước tăng trưởng chậm, dân số thu hẹp và lạm phát thấp, việc giảm nợ trong tương lai có thể không dễ dàng. Điều này sẽ trở thành trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế của các nước và cải thiện phúc lợi của người dân trong tương lai. Những vấn đề dài hạn như vậy hiện nay nên được xem xét.