TS. Nguyễn Xuân Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). |
Việc TTCK Trung Quốc lao dốc không phanh trong hơn 1 tháng qua có đáng lo ngại không, thưa ông?
Hiện Trung Quốc có khoảng 1.000 dự án đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký trên 8 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào nước ta. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 9,3 tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ (18,9 tỷ USD), EU (17,8 tỷ USD) và ASEAN (10,7 tỷ USD); nhập khẩu từ thị trường này 28,8 tỷ USD, vượt xa so với kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc (16,2 tỷ USD), ASEAN (14,1 tỷ USD), Nhật Bản (8,5 tỷ USD)… Chưa kể, Trung Quốc cũng là quốc gia cho Việt Nam vay vốn để thực hiện nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, nhiều dự án công nghiệp quan trọng.
Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, TTCK Trung Quốc khủng hoảng sẽ khiến nền kinh tế có GDP đứng thứ hai thế giới này suy giảm và hệ quả là cả nền kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực, trong đó, bị tác động mạnh nhất là những nước có quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc, mà Việt Nam là một số đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng, chứng khoán Trung Quốc lao dốc có tác động, nhưng không nhiều đến TTCK nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Dường như ông có phần chủ quan?
Khác với các nước có nền kinh tế phát triển, kinh tế Trung Quốc vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nên TTCK khủng hoảng không tác động nhiều đến tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, trong số hơn 90 triệu tài khoản giao dịch trên thị trường, thì có tới 80 - 90% là tài khoản cá nhân. Trong số tài khoản cá nhân thì tài khoản của công nhân lao động, người làm nghề tự do, công chức, viên chức, thậm chí là nông dân, chiếm tỷ lệ rất lớn.
Theo thống kê của Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc, chỉ trong tháng 5/2015, TTCK có thêm 14 triệu tài khoản cá nhân mới được mở. Chủ sở hữu các tài khoản cá nhân này là những người trước đây chưa biết gì về cổ phiếu, cổ phần, giao dịch, niêm yết…, nhưng khi giá cổ phiếu tăng, họ đã đổ tiền vào thị trường này. Vì thế, khi thị trường “đổ đèo” không phanh thì chỉ có nhà đầu tư cá nhân “tay ngang” bị thiệt hại, còn các định chế tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty niêm yết bị ảnh hưởng không nhiều, nên tác động đến nền kinh tế nước này cũng không lớn lắm.
Sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, kinh tế Trung Quốc đang “hạ cánh mềm”. Việc TTCK khủng hoảng có thể khiến nền kinh tế này giảm tốc độ tăng trưởng xuống mức hợp lý hơn. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc liệu có tác động đến Việt Nam, thưa ông?
Với GDP đứng thứ 2 thế giới, thị trường xuất nhập khẩu quan trọng bậc nhất thế giới, thị trường tiêu thụ nguyên nhiên liệu, năng lượng lớn nhất thế giới, nên khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế thế giới, nhất là với Việt Nam, vì nước ta có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư rất lớn với Trung Quốc. Nhưng theo tôi, nhìn tổng thể, tác động tích cực nhiều hơn tác động tiêu cực.
Thứ nhất, Trung Quốc giảm sử dụng nhiên liệu, năng lượng sẽ khiến thị trường nhiên liệu, năng lượng thế giới giảm, tạo điều kiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một minh chứng là, giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh gần như liên tục kể từ tháng 11/2014 đến nay đã hỗ trợ kinh tế nước ta tăng trưởng mạnh.
Thứ hai, Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu, máy móc, thiết bị hàng đầu thế giới, nên khi nhu cầu trong nước sử dụng ít, họ sẽ tăng cường xuất khẩu với giá mềm hơn. Việt Nam có lợi thế ở cạnh Trung Quốc, giao thông thuận tiện, nên doanh nghiệp nước ta có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu, máy móc, thiết bị với giá rẻ để nâng cao sức cạnh tranh.
Thứ ba, sau một thời gian dài tăng trưởng, doanh nghiệp Trung Quốc đã có tích lũy, nên họ sẽ đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài. Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút nguồn đầu tư này, đặc biệt là khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.
Nhưng cũng không phải toàn thuận lợi vì hàng hóa Việt Nam khó có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc?
Về cơ bản, rất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng sản xuất trong nước khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc.
Theo tôi, nếu các cơ quan chức năng như công an, biên phòng, quản lý thị trường, thuế, hải quan đẩy lùi được tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại thì hàng hóa trong nước cũng không quá lo ngại trong cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc, vì khi tham gia TPP, AEC, hàng hóa sản xuất trong nước xuất khẩu sang thị trường 11 nước tham gia TPP và 9 nước ASEAN có được lợi thế không phải chịu thuế nhập khẩu. Còn tại thị trường trong nước, hàng hóa Trung Quốc cũng phải cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước khác trong khu vực TPP và AEC, chứ không riêng gì hàng hóa của Việt Nam.